Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

MỘT THẾ GIỚI HẬU-HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD): Một Tách nước đầy

Nguyên tác: Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn

Kỳ 2: Một Tách nước đầy

Tưởng tượng một ngày tháng giêng năm 2000, bạn hỏi một nhà tiên tri để tiên đoán tiến trình của kinh tế toàn cầu trong vài năm tới. Cứ xem là bạn có cho nhà tiên tri một số manh mối để giúp thầy nhìn xuyên vào quả cầu pha lê. Bạn giải thích rằng Hoa Kỳ sẽ phải chịu một cuộc tấn công thê thảm nhất trong lịch sử từ bọn khủng bố, Hoa Kỳ sẽ trả đũa bằng việc phát khởi hai cuộc chiến tranh, một trong hai cuộc chiến tranh đó sẽ hết sức tàn khốc và sẽ khiến Iraq - quốc gia có trữ lượng dầu hỏa lớn thứ ba trên thế giới - bị xáo trộn trong nhiều năm. Iran sẽ tăng cường sức mạnh trong khu vực Trung Ðông và tiến đến việc đạt được năng lực hạch nhân. Bắc Triều Tiên sẽ đi xa hơn nữa để trở thành quốc gia thứ tám trên thế giới công khai sức mạnh hạch nhân. Nga sẽ trở nên thù địch và độc đoán trong các giải quyết của họ với các nước láng giềng và Tây phương. Ở châu Mỹ La tinh, Huga Chávez của Venezuela sẽ tiến hành một chiến dịch chống phương Tây sinh động nhất trong đời, chiếm được rất nhiều đồng minh và người ủng hộ. Israel và Hezbollah sẽ có chiến tranh với nhau ở phía nam Lebanon, làm suy yếu chính phủ non nớt của Beirut, lôi kéo cả Iran và Syria và đe dọa đến người Do Thái. Dải Gaza sẽ trở thành một thứ nhà nước thất bại cai trị bởi Hamas, và các cuộc hòa đàm giữa Do Thái và Palestine sẽ đi vào ngõ cụt. Bạn bảo vị thầy thông thái “Nếu xảy ra những biến cố này, tình hình kinh tế trong sáu năm tới sẽ ra sao?”.

Ðấy thực không phải là một giả thuyết. Chúng ta đã có dự đoán của các giới chuyên môn từ những năm đó. Tất cả đều sai. Lời tiên đoán đúng sẽ là, giữa những năm 2000 và 2007, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở tốc độ nhanh nhất trong gần bốn thập niên qua. Thu nhập cá nhân trên khắp thế giới sẽ tăng cao ở mức độ nhanh (3.2 phần trăm) hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử.
Trong hai thập niên kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh, chúng ta đã sống qua một sự nghịch lý với những điều chúng ta chứng nghiệm mỗi sáng ngày khi đọc các báo chí. Chính trị thế giới như hết sức khó khăn với các tin tức tường thuật hàng ngày về những vụ bỏ bom, các âm mưu khủng bố, những đất nước ăn cướp và những xung đột dân sự. Thế nhưng kinh tế toàn cầu vẫn dẫn đầu, không phải không có những khủng hoảng và gián đoạn đáng kể, nhưng trên tổng thể, vẫn mãnh liệt đi lên. Các thị trường có hoang mang nhưng là hoang mang vì những tin tức về kinh tế chứ không phải về chính trị. Các tin tức chạy trang nhất như thể không có liên quan gì đến các chương kinh tế.

Tôi còn nhớ đã nói chuyện với một thành viên quan trọng của chính phủ Israel vài hôm sau cuộc chiến tranh với Hezbollah xảy ra vào tháng bảy năm 2006. Ông thực sự lo lắng về thực trạng an ninh của đất nước mình. Các hỏa tiễn của Hezbollah đã bắn sâu vào lãnh thổ Israel hơn cái mức mà dân chúng tin có thể xảy ra, và các đáp trả của quân đội Israel không gây được lòng tin tưởng. Thế rồi tôi hỏi ông về kinh tế - lãnh vực mà ông rất có khả năng – Ông trả lời “Ðiều này thực làm chúng tôi điên cả đầu. Thị trường chứng khoán đã lên cao hơn vào ngày cuối của cuộc chiến so với ngày đầu! Ðồng shekel (tiền Do Thái) cũng thế”. Chính phủ có thể bị ma nhập nhưng thị trường thì không .

Hay thử nhìn cuộc chiến tranh Iraq, cuộc chiến từng đem đến những xáo trộn sâu sắc và dai dẳng trong đất nước và hơn 2 triệu người tị nạn tràn ngập sang các nước láng giềng. Loại khủng hoảng chính trị đó có vẻ chắc chắn sẽ ảnh hưỏng rộng rãi. Nhưng nếu ai có đi đến vùng Trung Ðông trong những năm qua chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì ảnh hưởng ít ỏi mà các vấn nạn của Iraq đã tạo nên bất ổn trong vùng. Ði đến đâu, bạn cũng thấy dân chúng phẫn nộ đả đảo chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng đâu là chứng cớ thực sự của sự bất ổn trong khu vực? Hầu hết các nước Trung Ðông – chẳng hạn như Jordan, Saudi Arabia và Ai Cập – đều phát triển. Turkey, đất nước chia xẻ chung một biên giới với Iraq, phát triển bình quân khá hơn là 7 phần trăm tăng trưởng hàng năm kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu. Abu Dhabi và Dubai, cách Baghdad một giờ bay, khởi sự xây dựng những tòa nhà rất ấn tượng,chọc trời bắt mắt như thể họ đang ở trong một hành tinh khác. Bản thân những quốc gia có vướng mắc với Iraq – Syria và Iran- hoạt động phần lớn ở bên ngoài của nền kinh tế toàn cầu do đó ít bị thiệt hại từ việc gây ra những rối loạn.

Ðiều gì giải thích cho sự bất tương xứng giữa một bên chính trị chuyển động thụt lùi và một bên kinh tế cứ hùng mạnh? Trước nhất, thật là đáng để xem xét kỹ càng vào các đợt thác của những tin tức xấu. Trông như thể chúng ta đang sống trong những thời đại bạo loạn điên khùng. Nhưng đừng tin tất cả mọi điều bạn thấy trên màn ảnh truyền hình. Ấn tượng vào những chuyện lặt vặt của chúng ta thành ra sai lầm. Chiến tranh và bạo hành có tổ chức đã giảm đi đáng kể trong hai thập niên qua. Ted Robert Gurr và một nhóm những học giả thuộc Trung Tâm Quản lý Xung Ðột và Phát triển Quốc Tế (Center for International Development and Conflict Management) thuộc Viện đại học Maryland đã cẩn thận theo dõi các dữ kiện và đi đến kết luận như sau: “Quy mô tổng quát của chiến tranh toàn cầu đã suy giảm hơn 60 phần trăm [kể từ giữa những năm 1980], xuống đến mức thấp nhất vào cuối năm 2004 kể từ cuối những năm 1950” . Bạo lực tăng mạnh qua suốt thời chiến tranh lạnh, tăng gấp sáu lần giữa những năm 1950 và đầu những năm 1990 – chiều hướng ấy lên đến cao điểm vào ngay trước sự xụp đổ của Liên bang Xô Viết vào năm 1991 và “sự bành trướng của chiến tranh giữa và trong nội bộ các nước giảm đến một nửa trong thập kỷ đầu tiên sau thời chiến tranh lạnh”. Nhà thông thái giáo sư trường Havard Steven Pinker nhận xét “có nghĩa là ngày nay có lẽ chúng ta đang sống trong thời hòa bình nhất kể từ khi sinh loài chúng ta từng hiện hữu”.

Một nguyên nhân cho sự bất tương xứng giữa thực tại và ý thức của chúng ta về thực tại có thể là do trải qua cùng những thập niên này, chúng ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng vể kỹ thuật thông tin khiến hiện nay mang đến cho chúng ta các thông tin chung quanh thế giới một cách nhanh chóng, sống động và liên tục. Các hình ảnh tức thì và cường độ của tin tức suốt chu kỳ hai mươi bốn giờ trộn lại đã sản xuất ra một sự cường điệu không đổi. Mỗi rối loạn về khí hậu là “cơn bão của thế kỷ”. Mỗi quả bom nổ là TIN TỨC NÓNG HỔi. Thật khó mà đặt những điều này vào sự liên quan bởi vì cuộc cách mạng thông tin còn quá mới lạ. Chúng ta đã không có được nhiều những khúc phim tư liệu cho gần hai triệu con người chết trên những cánh đồng chết ở Cambodia trong những năm 1970 hay hàng triệu người biến mất trong cát nóng của cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980. Chúng ta cũng không được xem nhiều phim tư liệu từ cuộc chiến ở Congo trong những năm 1990, nơi hàng triệu người đã chết. Thế mà hiện nay, chúng ta chứng kiến hầu như hàng ngày, tin tức truyền trực tiếp về những hậu quả của những chất nổ cải biến (IED) những hỏa tiễn hay những chiếc xe bom – chắc chắn toàn là những biến cố bi thương, nhưng ít khi có con số thương vong lên quá mười người. Những hành vi bừa bãi tùy tiện của các bạo lực khủng bố, mục tiêu nhắm vào thường dân, và sự bình thản mà những xã hội hiện đại có thể thẩm thấu cộng thêm vào sự lo lắng của chúng ta. “Ðó có thể là tôi” người ta nói như thế sau một cuộc tấn công của bọn khủng bố.

Có cảm giác như thế giới hết sức nguy hiểm. Nhưng thực ra không phải như thế. Mối hiểm nguy về chết chóc của bạn vì hậu quả của một loại bạo lực có tổ chức, bất kể loại nào, thì thấp và ngày càng trở nên thấp hơn. Các số liệu cho thấy có một chiều hướng rộng rãi tránh khỏi chiến tranh, loại xung đột mang lại những thương tổn lớn, giữa các nước quan trọng.

Tôi không tin rằng chiến tranh đã có thể bị triệt tiêu hay những điều ngây thơ tương tự như vậy. Bản chất con người vẫn như thế và chính trị quốc tế cũng vẫn là như thế. Lịch sử đã chứng kiến các thời kỳ bình lặng rồi lại tiếp theo bằng những cuộc tắm máu dị thường. Và những con số (thương vong) không phải là phương cách đánh giá duy nhất cho quỷ dữ. Bản chất của những giết chóc ở nước Tiệp Khắc cũ trong đầu những năm 1990 – có hệ thống, có chủ tâm và có động lực tôn giáo - tạo cho cuộc chiến tranh đó, với 200.000 thương vong, một vết nhơ đạo đức có thể được ghi nhận rất cao trên bất cứ đo lường nào. Sự dã man của Al Qaeda - lạnh lùng cắt đầu, chủ tâm nhắm vào người vô tội – thì ghê tởm dù con số thiệt mạng tương đối thấp.

Hơn nữa, để hiểu được thời đại chúng ta đang sống, cần phải diễn tả thời đại ấy một cách chính xác. Và thời đại ấy, hiện nay, trong ý nghĩa của lịch sử, là một thời đại yên ắng một cách khác thường.

Mối đe dọa Hồi giáo

Khủng bố Hồi giáo, mang đến các tin đầu trang nhất hàng ngày, là một vấn nạn lớn và dai dẳng, nhưng là một vấn nạn có liên quan đến một con số nhỏ nhoi của những kẻ cuồng tín. Vấn nạn dựa vào các chức năng bất thường của thế giới Hồi giáo, cái ý thức (có thật và tưởng tượng) về sự sỉ nhục trong tay người Tây phương và sự dễ đạt được những kỹ thuật cho việc bạo hành. Tuy nhiên, khủng bố Hồi Giáo có thể sánh được với mối đe dọa từ lời kêu gọi tấn công quyết liệt của Ðức cho sự thống trị cả thế giới trong tiền bán thế kỷ hai mươi hay không? Hay chủ nghĩa bành trướng của Xô Viết vào nửa thế kỷ còn lại? Hay những nỗ lực của Mao nhằm xúi dục chiến tranh và cách mạng ở các nước thứ ba trong những năm 1950 và 1960? Ðấy là tất cả những thử thách được hỗ trợ bởi quyền lực và bởi các nước lớn, thường được tiến hành cùng các đồng minh chí cốt và bởi một ý thức hệ từng được coi như một thay đổi có vẻ hợp lý cho nền dân chủ tự do. Dựa vào sự so sánh, hãy thử xem xét mối đe dọa thánh chiến. Trước 9/11, khi những nhóm như Al Qaeda hoạt động dưới màn thám sát của đài viễn thám, các chính phủ đã coi chúng như những phiền phức nhỏ, và chúng đã di chuyển lang thang khá tự do, xây dựng được một số sức mạnh, đánh phá tượng trưng, thường là những mục tiêu quân sự, giết hại người Mỹ và những người ngoại quốc khác. Ngay cả đến thế, sự tổn hại cũng khá là giới hạn. Từ năm 2001, chính phủ mọi nơi đã hết sức xông xáo trong việc phá vỡ các mạng lưới khủng bố, theo dấu các tổ chức tài chính và huấn luyện của chúng - với nhiều kết quả trông thấy. Ở Nam Dương, quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, chính phủ đã bắt cả lãnh đạo và thủ lĩnh quân sự của Jemaah Islamiah, nhóm thánh chiến sinh tử nhất nước và là nhóm đã tiến hành cuộc nổ bom ở Bali năm 2002. Với sự trợ giúp của Hoa Kỳ, quân đội Phi Luật Tân đã đè bẹp đơn vị khủng bố kiểu Al Qaeda của Abu Sayyaf. Thủ lĩnh nhóm này bị sát hại bởi quân đội Phi Luật Tân vào tháng Giêng 2007. Và các thành viên của nhóm này đã sụt giảm từ con số gần hai ngàn vào sáu năm trước, còn chừng vài trăm vào thời điểm hiện tại. Các căn cứ nguyên thủy cùng các mục tiêu tấn công - ở Egypt và Saudi Arabia - các đơn vị khủng bố của Al Qaeda bị bao vây chặt, những phần ngoài vòng kiểm soát đã không thể từng thực hiện được các cuộc phá hoại mới trong vòng ba năm qua. Các bộ tài chính - đặc biệt là bộ ngân khố Hoa Kỳ - đã tạo những khó khăn không nhỏ cho bọn khủng bố. Các tổ chức quốc tế không thể làm gì được nếu không có tiền bạc, do đó càng nhắm mục tiêu vào việc truy tìm dấu vết tài chính của bọn khủng bố chừng nào, chúng càng phải rút vào những hoạt động nhỏ lại hơn và khó có thể khai triển hoạt động. Cuộc chiến đấu này, giữa các chính phủ và bọn khủng bố, sẽ còn dai dẳng, nhưng các chính phủ đang nắm thế thượng phong.

Ở Iraq, nơi các vụ tấn công của khủng bố đã xuống dốc, một rắc rối mới đã hé lộ khiến làm suy yếu Al qaeda. Trong các giáo luật Hồi giáo nguyên thủy và các công bố khác, Al Qaeda không hề nhắc gì đến Shiites, chỉ đả phá người "Do Thái" và "bọn Thập Tự Quân". Nhưng Iraq đã thay đổi mọi điều. Nhằm tìm cách thu hút sự ủng hộ của người Sunni, Al Qadea đã hóa thân vào trong một nhóm chống người Shiite, ủng hộ một thế giới quan Sunni thuần túy. Abu Mussab al-Zarqawi, thủ lĩnh của Al Qaeda ở Mesopotania, đã mang một niềm oán hận người Shiite sâu sắc bắt nguồn từ chủ nghĩa thuần túy kiểu Wahhabi của y. Trong một lá thư gởi Osama bin Laden vào tháng hai năm 2004, y viết, "Mối hiểm họa từ Shia ... còn lớn hơn cả ... từ người Mỹ ... Giải pháp duy nhất cho chúng tôi là phải đánh vào tôn giáo, quân sự, và các cán bộ khác trong nội bộ Shia sẽ đánh hết trận này đến trận khác cho đến khi chúng phải cúi đầu trước người Sunni". Nếu có một cuộc tranh luận giữa y và bin Laden, Zarqawi ắt sẽ thắng. Kết quả là, một phong trào đã từng hy vọng sẽ đoàn kết được toàn thể khối Hồi giáo vào một cuộc thánh chiến chống lại Tây phương đã bị lôi kéo trở thành một cuộc nội chiến dơ dáy giữa những người Hồi giáo với nhau.

Sự chia rẽ giữa người Sunni và người Shiites là chia rẽ duy nhất trong những bộ phận giữa nội bộ thế giới Hồi giáo. Trong nội bộ thế giới ấy gồm người Shiite, Sunnis, Persian và Arab, người Á vùng Đông Nam Á và người Trung Ðông và quan trọng hơn hết là những người ôn hòa và cực đoan. Tương tự như những chia rẽ trong nội tình thế giới Cộng sản đã khiến họ trở nên bớt nguy hại, các thành phần khác nhau của Hồi giáo đã xói mòn khả năng hợp nhất thành một khối thù địch vững chắc của họ. Một số lãnh tụ phương Tây khi nói về phong trào Hồi giáo thế giới hợp nhất – đã ngu xuẩn đánh đồng những kẻ ly khai Chechen ở Nga, các loạn quân được người Pakistan ủng hộ ở India, các lãnh chúa Shiite ở Lebanon và những kẻ thánh chiến Sunni ở Egypt lại với nhau. Thực ra, một nhà chiến lược khôn ngoan sẽ nhấn mạnh rằng tất cả các nhóm này là khác biệt, với các kế hoạch hành động đều khác nhau, kẻ thù và đồng minh khác nhau. Như thế sẽ tước mất tính chất đại diện cho Hồi giáo mà họ thường tự nhận. Và như vậy cũng mô tả họ được như chính họ: những băng đảng địa phương nhỏ bé ôm ấp những mối hy vọng không thích hợp nhằm thu hút sự chú ý bằng con đường mọi rợ, vô chính phủ.

Các xung đột có liên hệ đến các nhóm Hồi giáo cực đoan vẫn dai dẳng, nhưng những xung khắc này có nhiều quan hệ đến những điều kiện địa phương đặc thù hơn là với các khát vọng của cả toàn cầu. Mặc dù Bắc Phi đã từng chứng kiến các khủng bố liên tục, đặc biệt ở Algeria, nhóm khủng bố chính ở đấy, nhóm Salafist Group for Call and Combat (viết tắt bằng tiếng Pháp là GSPC), là một phần của cuộc chiến tranh lâu dài giữa chính phủ Algeria và các lực lượng đối kháng Hồi Giáo vốn không thể chỉ được nhìn qua lăng kính của Al Qaeda hay cuộc thánh chiến chống Mỹ. Tương tự như thế với khu vực chính ở vùng biên giới Afghanistan và Pakistan, nơi rộng lớn đã từng có những tăng cường nguy hiểm trong sức mạnh của Al Qaeda. Chính ở nơi đây mà Bộ đầu não của Al Qaeda, nếu như từng có một thực thể như vậy, đã đặt căn cứ. Nhưng nhóm này đã có thể tự chống đỡ bất chấp những nỗ lực tối đa của quân đội NATO bởi vì chúng đã trốn lẩn sâu trong khu vực từ những năm tháng của chiến dịch chống Xô Viết. Quân Taliban, đồng minh của chúng, là những phong trào địa phương từng được ủng hộ lâu năm của người Pashtuns, một nhóm thiểu số có ảnh hưởng ở Afghanistan và Pakistan.

Cuối cùng là, trong sáu năm kể từ 9/11 Bộ đầu não Al Qaeda – nhóm được lãnh đạo bởi Osama bin Laden và Ayman Zawahiri – đã không thể thực hiện được một cuộc tấn công quan trọng ở đâu cả. Chúng là một tổ chức khủng bố quốc tế, giờ đã trở thành một tổ chức truyền thông, thỉnh thoảng sản xuất ra những cuốn video thay vì chủ nghĩa khủng bố thực sự. Thánh chiến vẫn tiếp tục, nhưng những chiến sĩ thánh chiến đã phải thử nghiệm, thực hiện với những mục tiêu tấn công nhỏ và hoạt động ở tầm mức địa phương - thường là thông qua những nhóm gần như không có liên hệ gì với Bộ đầu não Al Qaeda. Và chiến lược cải tiến này có sự yếu kém què quặt: sát hại những người địa phương, Do đó càng làm căm giận thêm người Hồi giáo bình thường - một tiến trình đã trở nên khá phổ biến ở những nước nhiều thay đổi như thể Indonesia, Iraq và Saudi Arabia. Trong sáu năm qua, sự ủng hộ dành cho bin Laden và mục đích của y đã xuống thấp trên khắp các nước trong thế giới Hồi giáo. Giữa những năm 2004 và 2007, con số đồng tình cho chiến thuật đánh bom tự sát - một con số luôn luôn thấp – đã tụt xuống hơn 50 phần trăm trong hầu hết các nước Hồi giáo. Có nhiều sự phản đối bạo lực và các Hồi giáo luật chống lại bin Laden hơn trước, từ cả những tu sĩ lỗi lạc ở Saudi Arabia. Có nhiều sự việc hơn sẽ phải xảy đến để hiện đại hóa xã hội Hồi giáo nhưng những người hiện đại hóa đã không còn quá sợ hãi. Cuối cùng họ đã nhận thức được rằng, bất chấp tất cả những lời hoa mỹ từ các trường đạo, các đền thờ, ít ai muốn sống dưới những trát lệnh của Al Qaeda. Những kẻ nhận thức được như thế, dù là những người ở Afghanistan hay Iraq, đã trở nên các đối thủ tận tụy nhất đối với Al Qaeda. Trái ngược với chủ nghĩa xã hội ở Xô Viết hoặc ngay cả chủ nghĩa phát xít trong những năm 1930, không một xã hội nào nhìn mẫu mực Hồi giáo với sự ngưỡng mộ hay ganh tỵ. Ở tầm mức ý thức hệ, nó cho thấy không có một đối thủ nào đối với kiểu mẫu bắt nguồn từ Tây phương về hiện đại mà các đất nước trên khắp thế giới đang theo đuổi.

(Còn tiếp)


I. TheoTed Robert và Monty G. Marshall, Peace and Conflict 2005: A Global Survey od Armed Conflicts, Self-Determination Movements, and Democracy, Center for International Development and Conflict Management, University of Maryland, College Park (June 2005)

II. Theo Steven Pinker, "A Brief History of Violence" (nói chuyện tại Hội nghị về Design, Entertaiment và Technology, ở Monterey Calif. Tháng Ba 2007).