Cái vốn chữ Hán của tôi chựng lại khá lâu – vì
không có cơ hội nào để tiến thêm ngoài việc học “ngoài đường” và thỉnh thoảng ngâm nga vài câu thơ cổ. Thế nhưng người
ta có thể ngâm thơ mà không biết mặt chữ, lại cũng không cần hiểu niêm luật cho
tường tận nên không hiếm người thuộc rất nhiều thơ nhưng lại không biết chữ
Hán.
Như hầu hết thanh niên, chưa tập đi đã muốn chạy,
tôi cũng mua mấy cuốn thơ Đường về đọc và tập viết. Viết thì cũng không chịu viết
chân phương cho rành rọt mà lại muốn đi thẳng sang hành thư, thảo thư. Thơ Đường
vốn dĩ rất khó vì hàm súc, chỉ trong 56 chữ mà gói ghém biết bao nhiêu ý, bao nhiêu
tình, cú pháp nhiều khi không theo mực thường, xem ra còn khó hơn văn ngôn[1] gấp bội. Ấy
thế mà thuở đó tôi lại đi theo con đường ngược đời đó nên không đi đến đâu. Giá
cứ như ngày xưa học từ Tam Tự Kinh sang Ấu Học Ngũ Ngôn Thi lại còn có cơ sở vì
trẻ con học nhớ nhiều hơn học nghĩa, mưa dầm thấm đất, học mãi rồi cũng nhập
tâm.
Khi đi làm ở một tỉnh miền Trung, tôi đem theo
một bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa mua ở Chợ Lớn để đọc và để học, theo cách của cụ
Nguyễn Hiến Lê chỉ dạy. Thế nhưng vì chữ nghĩa ít ỏi, đọc và tra lâu quá nên chỉ
được vài trang rồi phải bỏ.
Sau năm 1975, tôi có một cơ hội khác. Sau khi ra
tù, thất nghiệp nằm nhà, một người bạn đem đến cho mấy cuốn sách coi tướng bằng
chữ Tàu. Những sách tướng số, tử vi là loại xen lẫn văn ngôn - bạch thoại đọc
cũng thú vị và tương đối không khó lắm. Nhờ có mấy cuốn sách, lại thêm thì giờ
rảnh rỗi cùng với bạn bè bàn luận ngược xuôi nên tôi cũng mày mò đọc cho bằng hết.
Ấy cũng là nhu cầu nảy sinh phương tiện nên vừa đọc vừa đoán rồi cũng xong. Điểm
mạnh của trò chơi này là giúp tôi làm quen với văn pháp Trung Hoa và học ngoại
ngữ nào thì cũng phải làm quen với ngữ pháp – mà ngữ pháp là gì nếu chẳng phải
là lối sắp xếp chữ của thứ ngôn ngữ đó. Cho nên nếu tiếng Anh, tĩnh từ phải đi
trước danh từ thì khi đọc sang tiếng Pháp chúng ta lại phải quen ngay với lối sắp
xếp hầu hết ngược lại, danh từ trước, tĩnh từ sau.
Sau đó tôi mua được một bộ sách có tên là Thần
Tướng Toàn Biên[2] (神相全編), bao gồm đầy đủ các tác phẩm cổ của bộ môn này, nhiều điều hàm tàng
một ý nghĩa triết học, tâm lý học … của Đông phương mà các cổ thư khác không nhắc
tới. Đáng kể nhất có lẽ là hai phần trong Ma Y thần tướng, một phần là Khóa
Vàng [金鎖賦Kim Tỏa Phú],
một phần là Chìa Khóa Bạc [銀匙謌Ngân Thi Ca], Viên Thiên Trang nhân thức ca, Viên Liễu Trang nhân tượng
phú … Tuy nhiên, phần lớn đều thuộc loại bàng môn, đi vào chi li vụn vặt không
đáng nhớ nên tôi chỉ đặt trọng tâm vào một bài phú có tên là Nhân Luân Đại Thống
Phú (人倫大統賦) của Trương
Hành Giản (張行簡) mở đầu bằng
hai câu:
貴賤定於骨法,憂喜見於形容。
悔吝生於動作之始,成敗在乎決斷之中。
Quí tiện định
ư cốt pháp, ưu hỉ kiến ư hình dung
Hối lận sinh
ư động tác chi thủy, thành bại tại hồ quyết đoán chi trung …
Kẻ quí người tiện là do ở cốt cách, đời buồn
hay vui cũng do vẻ dáng bề ngoài
Sai lầm cũng do động tác khởi nên, thành bại
cũng nằm ở trong quyết đoán …
Bài phú đó rất uyên áo, lãnh ngộ tùy theo mỗi
người nên đọc lâu cũng có chỗ thú vị. Thế nhưng đây chỉ là trò chơi trí óc, tìm
hiểu thiên cơ không phải là chủ đích của nhà nho nên tôi không vướng vào lâu.
May mắn nhất, những động lực thúc đẩy khiến cho tôi phải học để đọc những bộ
sách này và nói cho cùng, đó chính là cái cánh cửa bước chân vào Hán văn của
tôi.
Sau khi đã ngốn xong mấy cuốn sách tử vi tướng
số, tôi quay trở lại đọc bộ Tam Quốc thì thấy dễ hơn nhiều. Truyện này tôi đã đọc
nhiều lần, khó nhất là tên người thì hầu hết mình đã biết, đoán già đoán non
cũng được 90%. Phải nói rằng nếu đọc thông bộ Tam Quốc thì đã đi được quá nửa
đường trong việc làm quen với Hán văn, ít nhiều cũng có cơ sở.
Sang đến Mỹ, lang thang mấy tiệm sách Tàu trên
Chinatown ở Los Angeles, tôi mua được toàn bộ truyện Kim Dung, 36 cuốn. Thời
gian ấy, nhu cầu đọc lại sách vở cũ còn nhiều nên một số nhà xuất bản in sách một
cách đơn giản là chụp lại các sách vở cũ của miền Nam để chiều theo thị hiếu.
Truyện chưởng là món hàng ăn khách nên vì thế cũng nở rộ. Có điều đọc lại thì
tôi mới thấy lối dịch trước đây cẩu thả, cú pháp văn chương cũng bình thường vì
vốn dĩ là lối văn nhật báo dành cho đại chúng trong đó không hiếm những sai lầm
về âm cũng như về nghĩa chỉ thích thú khi mình chưa biết còn nay đã đọc thẳng
vào nguyên tác thì lại thấy ngang phè.
Chính vì thế nằm đọc một cách say mê bộ Kim
Dung nguyên bản thì quả là cái thú mà không mấy ai có trong sinh hoạt của người
Việt tha hương. Mà học ngoại ngữ nào đến một lúc cũng nhập tâm, khi cầm đến cuốn
sách Tàu thì lập tức giở từ cuối lên, đọc từ phải sang trái, từ trên xuống dưới,
đọc đâu hiểu đó chẳng mấy khi phải “bước
đi một bước lâu lâu lại dừng” để tra tự điển. Con người trở nên có nhiều
nhân cách khi đã tạo cho mình một mẫu số đa văn hóa, cái nọ bù đắp cho cái kia,
nên việc chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác không còn là vấn đề. Đó cũng
là việc thường làm trong một ngày, chuyển đổi tần số từ tiếng Anh sang tiếng Việt,
từ chữ Hán phồn thể sang chữ Hán giản thể chỉ là thói quen.
Sau khi đọc đi đọc lại truyện Kim Dung – thực
ra thì tôi chỉ tập trung vào mấy bộ thích nhất như Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh
Ký, Ỷ Thiên Đồ Long, Thiên Long Bát Bộ - cái vốn tiếng Hán của tôi cũng thêm dần.
Quay đầu nhìn lại, tôi mới thấy rằng muốn tinh thông cái gì người ta phải đam
mê không chán vì nếu do nhu cầu thì giữ được nỗ lực lúc ban đầu nhưng rồi sẽ mỏi
mệt. Thế nhưng khi tạo được đam mê, dù đam mê ấy đối với người xung quanh kỳ quặc chăng nữa,
thì vẫn là một động lực liên tục bắt người ta phải cố gắng để đến một lúc nào
đó chép miệng tự trách mình âu cũng là một cái “nghiệp”.
Cũng từ đó, tôi nảy ra ý định viết một số
chuyên đề có liên quan đến các tình tiết trong mấy bộ truyện Kim Dung. Những
bài viết về trà, đông y, ngựa và cánh cung, về hoạn quan, về hoa trà, cờ vây, bảo
kiếm, Thanh binh nhập quan, hay cuộc khởi nghĩa lật đổ triều Nguyên … chính là
những kiến thức mở rộng một số chi tiết mà Kim Dung đã nhắc tới. Những biên khảo
nho nhỏ này thực ra không phải là một công việc thường xuyên mà là một việc làm
tài tử - nói theo ngôn ngữ trong nước ngày nay gọi là nghiệp dư –thực hiện chủ
yếu là trong khoảng thời gian được nghỉ học giữa mùa [breaks] vì từ khi cha mẹ
và các em tôi sang đoàn tụ, tôi đã có thời gian để trở lại nhà trường vào ban
đêm sau giờ làm việc. Việc làm ấy vừa giúp tôi có sự tiếp cận liên tục với tiếng
Việt và chữ Hán cho khỏi quên, lại là một cách tạm lánh ra khỏi khung cảnh học
đường cho thư dãn. Nhờ nhảy qua nhảy lại, tôi vẫn không bị rơi rụng cái vốn chữ
Hán có sẵn, lại giúp mình có thêm một số kiến thức mới mà trước đây chỉ biết
qua loa.
Những bài viết tôi gửi lên một web-site kiếm
hiệp [vietkiem.com] mà từ đó hai anh Trần Văn Chánh và Lê Đình Thuyên ở VN đã tải
xuống và giúp ấn hành tác phẩm đầu tiên, Đọc
Kim Dung Tìm Hiểu Văn Hóa Trung Quốc[3]
khi có dịp gặp tôi ở VN cuối năm 2001. Chính cái tựa này cũng do anh Chánh đặt
giùm chứ không phải tôi nghĩ ra. Âu cũng là duyên văn tự mà từ đó tôi quen biết
được khá đông các nhà văn hóa trong nước thân cũng nhiều mà chỉ mới giao thiệp
qua internet cũng không ít.
Cũng khoảng cuối thập niên 1990, em trai tôi gửi
truyện ngắn đầu tiên của Kim Dung tôi dịch đã lâu nhưng còn bỏ xó lên internet.
Đó là truyện Việt Nữ Kiếm. Cũng từ bản dịch này một số bằng hữu đã hỏi thêm về
Kim Dung nên vừa khi không còn nặng nợ sáchđèn, tôi dịch lại bộ truyện Ỷ Thiên
Đồ Long Ký [40 chương], Bạch Mã Khiếu Tây Phong, Uyên Ương Đao và sau cùng là
Thiên Long Bát Bộ [50 chương]. Tất cả đều gửi lên vietkiem.com (nay đã không còn
hoạt động) cho mọi người cùng đọc. Khi tôi bắt đầu dịch Lộc Đỉnh Ký là một
trong hai bộ tôi ưa thích nhất thì trong nước có phong trào dịch lại Kim Dung
do một nhà xuất bản mua được bản quyền và ồ ạt tung ra những bản dịch mới. Khi
đó tôi chỉ mới dịch được 5 chương trong bộ Lộc Đỉnh Ký thì ngừng lại vì tự nghĩ
mình dịch theo lối nhàn tản vui chơi, không nên làm phương hại đến một số dịch
giả trong nước cần một phương tiện sinh nhai.
Việc ngưng lại – dẫu có làm thất vọng một số
người – nhưng cũng chẳng ai thiệt thòi, có thể lại là cái may cho tôi. Về
phương diện chữ nghĩa, dịch Kim Dung tuy có thêm một số kiến thức và gọt dũa
văn chương nhưng cũng chỉ đến một giới hạn, không thể đi xa hơn. Lẽ dĩ nhiên đó
là một công việc mất nhiều thì giờ, nhiều công phu nhưng thành quả thì không
hơn việc mài đá thành gương. Cùng lúc đó, người bạn mới quen của tôi ở VN là
anh Lê Anh Dũng đã gợi ý cho tôi là quay về nghiên cứu những vấn đề liên quan đến
Việt Nam mà vốn dĩ các nguồn sách báo, tài liệu ở bên ngoài rất phong phú.
Gợi ý đó mở cho tôi một con đường “về nguồn” – con đường mà sau này con
trai tôi đã khai triển chính kinh nghiệm của tôi để thành một luận văn về giới
đọc sách có thể đóng góp cho quê hương từ xa mà không cần phải về sống trong nước,
một đề tài cần được nghiên cứu sâu rộng hơn nếu muốn xóa mờ ranh giới trong
ngoài.
Tôi xin trích một vài đoạn cháu viết:
[…] This new period of family life and
personal stability marked what Nguyen calls his “second life”. The “first life”
was his life in Vietnam and the initial paralysis within the United States, and
the steady transition that highlighted his new citizenship within the United
States. This duality is common within the Vietnamese American community, as for
many the process of healing within the United States meant being able to claim
agency of their own lives within the United States and reconnecting with their
Vietnamese heritage. Those who were most able to reconcile their two
citizenships tended to fare better as American citizens than those who felt alienated
by their refuge in the United States. […].
…Cuộc sống
gia đình và ổn định bản thân đánh dấu một thời kỳ mới mà ông Nguyễn gọi là cuộc đời thứ hai. Cuộc
đời thứ nhất là thời gian ông sống ở Việt Nam và lúc ban đầu hụt hẫng khi mới
sang bên Mỹ và rồi dần dần hội nhập vào sinh hoạt công dân ở xứ này. Cuộc đời
nhị nguyên ấy khá thông thường trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt và đối với nhiều
người thì tiến trình hàn gắn vết thương ở trên đất Hoa Kỳ
là làm sao hội nhập đời sống đồng thời vẫn nối lại được với di sản cũ ở Việt
Nam. Những người có khả năng dung hòa hai dòng sinh mệnh ấy thường tiến xa hơn
những công dân Mỹ vẫn cảm thấy mình bị tách rời vì cuộc sống di dân nơi xứ sở mới.
…
[…] For Nguyen, diaspora is the ability for
the body to occupy one physical space, but have your own source of cultural,
political, and social production that can extend beyond borders and exist in
many spaces at once. His ability to live as an American citizen while
contributing to academic scholarship in Vietnam has been an important process
in his growth and awareness as a global citizen by collaborating, discussing,
and disseminating his works among both Vietnamese and Vietnamese American
historic scholars. Though there is great interest in his published works in
Vietnamese language newspapers and magazines within the United States, the vast
majority of his works are published in Vietnam under free licenses, slowly
rewriting history one work at a time. This is Nguyen’s greatest form of
remittance to the memory of South Vietnam as a Vietnamese expatriate, using the
vast access of resources and support he has within the United States to
continue his scholarship. It is a transcendental form of healing, filling the
soul with purpose where it was once lost in a traumatic rupture of cultural
roots.
… Theo ông
Nguyễn, cộng đồng [người Việt] là nơi cho ông một
không gian sinh sống nhưng phải có những nguồn riêng về văn hóa, chính trị hay
sản phẩm xã hội vượt ra khỏi ranh giới và tồn tại nhiều không gian trên cùng một
thời gian. Khả năng có thể đồng thời sống như một công dân Hoa Kỳ
trong khi vẫn đóng góp các nghiên cứu học thuật về Việt Nam đã trở thành một bước
tiến quan trọng trong việc vươn lên và nhắc nhở rằng ông còn là một công dân của
toàn thế giới nếu ông cộng tác, thảo luận và gieo rắc những công trình của mình
đến các học giả về lịch sử-cho cả người Việt lẫn người Mỹ nghiên cứu về Việt
Nam. Tuy rất quan tâm đến việc ấn hành các công trình của mình trên các tạp
chí, báo chí bằng tiếng Việt ở Hoa Kỳ, một số lớn các nghiên cứu của ông đã được in
ra rộng rãi không điều kiện tại trong nước để từ từ viết lại lịch sử mỗi lần một
ít. Đây là hình thức đền đáp lớn nhất mà ông Nguyễn có thể làm để nhớ lại miền
Nam Việt Nam - trong vai trò một người dân xa xứ - sử dụng nguồn tư liệu vô
cùng rộng rãi và những yểm trợ có được từ nước Mỹ để theo đuổi các công trình học
thuật. Đây chính là phương thức chữa lành kỳ diệu nhất để khỏa lấp tâm hồn qua những mục
tiêu vốn dĩ đã nứt rạn khi bị bứng ra khỏi cái gốc rễ văn hóa[của chính
mình].
Muốn đi được lâu bền, tôi không thể mon men bước
chân vào những khu vực mình còn xa lạ. Chỉ có một đam mê từ nhỏ là lịch sử thì ở
bên ngoài tài liệu thiếu thốn, nếu có viết cũng chỉ sao chép lại những người đi
trước và cũng thiếu điều kiện để biết cho tinh tường hay kiểm chứng những điều
còn nghi vấn. Cho nên hướng đi thì có nhưng khoanh vùng một điểm đến không phải
dễ mà viết lan man theo lối “thập cẩm”
thì thường chỉ bắt được con tôm con tép chứ làm sao bắt được cá to. Vả lại chiều
dài lịch sử nước ta đến mấy thiên niên kỷ, không khéo sẽ lại rơi vào vòng vu
khoát viết về những chuyện huyền hoặc đời xa xưa, lấy chữ lòe người, tài liệu một
tưởng tượng mười, dù có thành tựu cũng không giá trị gì cả.
Lại một điều
may khác, cũng đang lúc phân vân, tôi được anh Phạm Xuân Hy ở bên Pháp gửi tặng
cho cuốn Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công
Nghiên Cứucủa Trang Cát Phát[4]là cuốn sách
nghiên cứu về 10 chiến dịch đời Càn Long trong đó có lần đưa binh sang An Nam.
Chiến dịch này vốn dĩ đã được khai thác rộng rãi, theo tài liệu cũng có mà thêm
thắt bằng dật sự, dã sử cũng có. Hầu như tất cả các sách vở nước ta đều đi đến
kết luận sau khi bị vua Quang Trung đánh bại, Thanh triều sợ hãi nên rơi vào rất
nhiều trò trá ngụy của bên ta mà chỉ đành nhắm mắt làm ngơ. Việc đó đã thành một
“lý sở đương nhiên” không ai dị nghị.
Khi đọc lại chiến dịch đánh An Nam theo tài liệu
của nhà Thanh tôi tìm ra một sai lệch quan trọng. Đó là hình thức nghi lễ sử
triều Nguyễn gọi là “ôm gối” mà vua
Càn Long dùng để đón vua Quang Trung [mà sử ta cho rằng là một người giả] kia
thực ra là một đại lễ rất trịnh trọng của người du mục có tên là “bão kiến thỉnh an”. Việc ngụy tạo một lễ
nghi với nội dung hoàn toàn khác nhau một trời một vực khiến tôi nổi mối nghi
ngờ và khi đi xa hơn mới biết rằng triều Nguyễn quả có một thứ lễ đặt tên là “ôm gối” do chính vua Minh Mạng đặt ra và chắc hẳn đã có một dụng ý nào
đó khi tìm cách nhập nhằng hai bên là một – dù rằng hoàn toàn khác nhau về mục
đích và nguyên ủy.
Thấy một điểm bất thường là đầu dây mối nhợ,
tôi bèn bỏ thời gian và công sức để soi sáng vấn đề, kêu gọi bạn bè và thân
nhân xa gần cùng tiếp tay tìm cho ra manh mối. Viết sử không phải là việc ngày
một ngày hai mà phải có nhiều tài liệu gốc. Cũng may trời cũng chiều người, mỗi
bạn bè giúp cho một ít nhưng đều tận tâm tận lực. Nguyễn Hoàng Triệu, Lê Anh
Dũng (Saigon) là những người đi tiên phong tìm cho tôi sách cũ trước 1975, các
em tôi cũng mua giùm một số sách mới. Tiếp theo đó, một người bạn quí là Nguyễn
Bá Dzũng (Hà Nội) cũng không ngại tốn hao tiền bạc, thời gian cùng với một thân
hữu làm việc trong Viện Hán Nôm ra sức chụp cho tôi những tài liệu quí hiếm để
tôi đối chiếu.
Việc tìm kiếm còn được sự giúp đỡ của nhiều bằng
hữu ở bên ngoài. TS Trần Huy Bích, khi đó đang trông coi một bộ phận sách vở Á
Đông trong đại học USC giúp tôi tìm những sách Trung Hoa, Xiêm La, Việt Nam …vốn
đã tuyệt bản. GS John E. Wills Jr. của trường đại học USC[5] tuy lớn tuổi
nhưng cũng tự mình lái xe từ Pasadena xuống đưa cho tôi một số sách hiếm có về
bang giao Thanh – Việt trong tủ sách chuyên môn của ông. Anh bạn thân ở gần hơn
là anh Hương Hồ Nguyễn Vinh Quang (Cali) thì tìm các loại sách vở do các trường
đại học đưa lên mạng. Quan trọng hơn cả, cậu con trai thứ của tôi là cháu Nguyễn
Thiên Kỳ (UCLA) luôn luôn chịu khó đi mượn cho bố những cuốn sách khó kiếm nhất
xuyên qua hệ thống thư viện toàn nước Mỹ nên hầu như đến nay tôi đã đủ sách vở
cần dùng, có dịp so sánh và đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau để tìm ra đáp số
cho một khoảng trống lịch sử mà lâu nay chưa mấy ai quan tâm đúng mức.
Trở lại với việc học chữ Hán, trong khoảng
mươi năm nay, chính vì phải “đánh vật”
với cái dự án to lớn này, việc đọc chữ Hán, hiểu chữ Hán không còn là một việc
rong chơi như khi dịch truyện chưởng mà là một nỗ lực bắt buộc. Tuy sức khỏe
không còn như thời trai tráng, trí nhớ cũng giảm sút, nhờ có chút vốn cũ, cái cỗ
xe ấy cũng vẫn hoạt động một cách đều hòa dẫu đôi khi trái nắng trở trời. Điều
hao tổn tâm trí nhiều hơn cả hiện nay là việc làm sao hoàn thành những phần bộ
chính rồi sau đó ráp lại cho thành một đề tài chuyên nhất mà khi viết riêng rẽ
có nhiều trùng lặp. Một nỗ lực cũng đáng quan tâm là việc dịch lại những tài liệu-
trước đây vì chưa có bản gốc nên phải dựa theo các tác giả đi trước - nay phải
dành thì giờ thêm phần chính văn và bản dịch theo cách hiểu của mình cho thống
nhất. Thành thử, trước đây tôi hay dịch từng phần, nay muốn cho đỡ khó khăn khi
phải lục lại những đoạn cũ, tôi cất công một lần dịch luôn cho xong – nhất lao
vĩnh dật[6] – như cổ
nhân thường nói.
Trong công tác phụ đó, ba năm gần đây, bên cạnh
những nghiên cứu chính yếu tôi đã hoàn tất được bản dịch Khâm Định An Nam Kỷ Lược (khoảng 700 trang), Đại Việt Quốc Thư (khoảng 300 trang), Bắc Hành Lược Ký (ngoài 200 trang), một số văn kiện rải rác trong
văn khố nhà Thanh và một vài di cảo của các tác giả Việt Nam (Ngô Thì Nhậm,
Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn …). Tốc độ dịch sử liệu không thể nhanh, hiểu biết
cũng chưa chắc chắn vì là việc vừa làm vừa học, biết đến đâu làm đến đó. Chữ
Hán đã thành một dụng cụ làm việc, một phương tiện để đưa tôi vào kho tài liệu
của cổ nhân, là cỗ xe để di chuyển hàng ngày chứ không phải là một món đồ trang
điểm.
Khi dịch lại những văn liệu cũ, chúng ta không
phải chỉ chuyển nghĩa từ một chữ Hán sang tiếng Việt mà còn được thở cái không
khí của cổ nhân khi viết những dòng chữ này. Cũng như một diễn viên phải hội nhập
vào vai mình đang đóng, người dịch cũng cần sống và suy nghĩ như ông cha mình
trong một hoàn cảnh không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, mà luôn luôn phải
cau mày bóp trán để tìm được một lối giải quyết êm đẹp nhất.
Nhìn lại cuộc đời trong 60 năm qua, nghiên cứu
Sử là một cái duyên – hay nghiệp – khởi đầu thật mơ hồ. Chữ Hán vốn chỉ là một
trò chơi của một đứa bé nay thành một phương tiện không thể thiếu của giới
chuyên ngành. Thế nhưng có đi trên con đường này chúng ta mới thấy cái nỗ lực,
kiên trì mà những người đi trước đã trải qua, nhìn vào những dòng chữ ngoằn
ngoèo kia để tìm lại cái không gian xưa cũ.
1 Văn ngôn là văn viết theo lối cổ
ngày xưa, khác với bạch thoại là viết theo văn nói sau này.
2 Còn gọi là Thần Tướng Toàn
Thiên (神相全篇)
3 Trẻ, TpHCM, 2002
4 莊吉發,清高宗十全武功研究 (Đài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác
Vật Viện, 1982). Trước đây tôi mua được cuốn Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh Chi Quân Nhu Nghiên Cứu乾隆重要戰爭之軍需研究 của Lại Phúc Thuận (賴福順) (Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện,
1984) nhưng chưa có dịp dùng, nay có hai quyển nên đọc thấy vấn đề đã có một
tia sáng.
5 https://dornsife.usc.edu/cf/faculty-and-staff/faculty.cfm?pid=1003823
6 Một lần mệt nhọc nhưng được nhàn hạ mãi mãi.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét