Trong gần
chín tháng cầm quyền, Tổng Thống Donald Trump công khai chỉ trích, gây xung đột
với rất nhiều dân biểu nghị sĩ đảng Cộng Hòa, hết người này sang người khác. Ít
có vị tổng thống Mỹ nào “gây thù chuốc oán” với giới lãnh đạo của đảng mình nhiều
bằng ông Trump. Nhiều người nghĩ rằng đó là do tánh tình nóng nảy, bộp chộp của
một doanh nhân không quen với thế giới chính trị. Hoặc nói đó là vì cái ngã mạn
(ego) quá lớn của ông tổng thống, ông không chấp nhận ai nói một lời, làm một
việc, dù rất nhỏ, trái với ý mình.
Lối giải
thích đó đánh giá thấp Donald Trump, con người đã đánh ngã hàng chục nhà chính
trị “rường cột” của đảng Cộng Hòa trong kỳ bỏ phiếu sơ bộ, rồi hạ một đối thủ
lão luyện của đảng Dân Chủ, trong cuộc tranh cử năm 2016.
Có thể giải
thích theo một cách khác: Donald Trump có chủ ý. Ông chỉ trích, chế nhạo các
nghị sĩ Lindsey O. Graham, John McCain và Jeff Flake, Bob Corker, Lisa
Murkowski; đến cả trưởng khối đa số tại Thượng Viện, Mitch McConnell cũng là mục
tiêu thường xuyên lãnh đạn!
Chủ ý của ông
Trump là muốn “uốn nắn” tất cả các nhà chính trị hàng đầu trong đảng. Nếu không
được thì thay đổi, nếu cần thì đổi toàn bộ giới lãnh đạo của đảng! Ông có thể
“làm lại” một đảng Cộng Hòa gồm những người mới suy nghĩ giống như ông.
Khi các đại
biểu Cộng Hòa thất bại mấy lần trong việc thay thế đạo luật y tế Obamacare, có
lẽ ông Donald Trump đã thấy không thể trông cậy vào họ được nữa. Chỉ cần một
nhóm dân biểu với chủ trương “giáo điều” quyết ngăn cản, là ông chủ tịch Hạ Viện
phải chiều ý họ, thông qua một dự luật mà ai cũng biết không thể nào qua được cửa
Thượng Viện, bản dự luật mà chính ông Trump phải chê là “dữ quá.” Tại Thượng Viện,
ông McConnell đã thất bại ba lần, cũng vì áp lực của mấy nghị sĩ cực kỳ bảo thủ
khiến ông phải cắt bỏ những khoản được dân chúng ủng hộ nhiều nhất, như bỏ trợ
cấp cho người nghèo, cấm tăng giá bảo hiểm với những người đang có bệnh, vân
vân, khiến cho các nghị sĩ trung dung phải bác bỏ vì sợ cử tri của mình phản ứng.
Nhìn cảnh đó,
người bình thường, không đóng vai tổng thống, cũng thấy rằng những đại biểu của
họ chỉ quan tâm đến các ý kiến, giáo điều kiên cố của mình hơn là lo việc cai
trị. Họ và ông tổng thống được bầu lên sau khi hô hào quyết thay thế đạo luật của
ông Obama. Nhưng cả năm sau cũng chưa làm được gì cả.
Liệu trong những
tháng tới họ có thay đổi hay không? Họ sẽ làm được gì hay không? Không ai biết
chắc.
Cải tổ thuế vụ
là một trọng điểm trong chương trình tranh cử của ông Trump. Liệu Quốc Hội, tức
là khối đa số Cộng Hòa trong hai viện Quốc Hội, có thể thông qua một dự luật
thuế mới để cho ông tổng thống ký tên ban hành hay không?
So với hệ thống
y tế, thuế khóa là một vấn đề rắc rối gấp trăm lần. Luật thuế vụ là một mớ bòng
bong đã kết lại với hàng trăm mối dây, hàng ngàn nút ràng buộc, trói chặt lấy
nhau. Ai cũng đồng ý phải giản dị hóa. Nhưng mỗi một cái nút trong mớ bòng bong
đó đều được kết lại trong quá khứ vì một nhóm người vận động, nhằm cho họ được
hưởng lợi qua một “lỗ hổng” trong luật pháp. Gỡ một cái nút nào cũng sẽ bị một
số người la lối thống thiết kêu oan. Và họ luôn luôn có những dân biểu, nghị sĩ
sẵn sàng đứng ra bảo vệ.
Cả ông tổng
thống và đảng Cộng Hòa đều hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế. Tất cả đều tin rằng cắt
thuế cho những người giầu thì họ sẽ đầu tư thêm, kinh tế sẽ hưng vượng. Nhưng cắt
thuế rồi thì làm cách nào chính phủ có tiền chi tiêu? Cắt chỗ này thì phải tăng
chỗ khác. Vậy tăng thứ thuế nào? Phải giảm chi tiêu, nhưng giảm chỗ nào? Đây là
chỗ kẹt cứng của việc cải tổ thuế vụ, vì không ai muốn mình bị tăng thuế, hay
chỉ bị mất một khoản miễn thuế mà mình đang hưởng!
Muốn mọi người
hài lòng thì cuối cùng phải chấp nhận cắt thuế cứ cắt, còn tăng thì tăng ít,
tăng nhẹ nhẹ thôi, miễn sao cho con tầu cải tổ chạy tới thêm mấy bước.
Nhưng tới đó thì
cả con tầu sẽ đụng vô một khối đá cứng ngắc: Những người bảo thủ “thuần thành”
không chấp nhận cho ngân sách khiếm hụt, vì bất cứ lý do nào!
Nghị Sĩ Bob
Corker là một trong những nhà chính trị thuần thành đó: Không khiếm hụt là
không khiếm hụt! Ông vừa mới bị Tổng Thống Trump “xỉ vả” thậm tệ, và trả đũa lại
cũng thậm tệ không kém. Trong vụ thất bại của dự luật y tế ở Thượng Viện, chỉ
có ba người chống là cả dự án hạ màn. Bây giờ làm sao vẽ ra được một dự luật để
cho không quá ba người cùng chống?
Sau dự luật cải
tổ thuế vụ còn bao nhiêu chuyện khác ông Trump muốn làm: Xây bức tưởng ở biên
giới Mexico? Bỏ hàng trăm tỷ Mỹ kim xây dựng hạ tầng cơ sở khắp nước? Chính
sách đối phó với Bắc Hàn? Với Iran? Với nước Tàu đang cạnh tranh không đứng đắn?
Với cả Canada và Mexico? Liệu các đại biểu Cộng Hòa có thể hợp tác với Tòa Bạch
Ốc hay không?
Trong chính
sách đối ngoại, ông Trump đã tạo ra kẻ thù với hai nghị sĩ, Bob Corker là chủ tịch
Ủy Ban Ngoại Giao và John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ. Cả hai đã bị ông tổng
thống “nhục mạ” công khai. McCain không đáng gọi là “anh hùng” vì đi lính mà để
cho quân địch bắt, Trump nói, “Tôi không thích mấy người bị bắt.” Corker thì đã
xin làm ngoại trưởng, Trump không cho; rồi lại xin được ủng hộ sang năm tái
tranh cử, Trump lắc đầu. (Ông Corker đã cải chính cả hai điều ông Trump nói).
Nhiều người trong cuộc kể rằng hồi đầu năm 2017 ông Trump đã nhắm có thể mời
ông Corker làm ngoại trưởng; nhưng sau ông chê rằng nghị sĩ này thấp quá (chỉ
có 1 mét 70).
Nay mai hai
ông McCain và Corker có dễ dàng cộng tác với ông tổng thống trong các chính
sách ngoại giao và quốc phòng hay không? Ai cũng thấy, ông tổng thống cần phải
cầu nguyện nhiều lắm! Mà đó không phải là một thói quen của Donald Trump: Ít ai
thấy ông đi nhà thờ.
Ngồi vào địa
vị của ông Donald Trump, ai cũng thấy phải “làm một cái gì” để sau năm 2018
tình trạng này phải chấm dứt. Từ đó mới có thể xây dựng các thành tích để tranh
cử năm 2020.
Người đang
đóng vai trò “làm lại” là Stephen K. Bannon. Ông Bannon có thể tự coi là người
xây dựng nên cuộc chiến thắng của ông Trump năm ngoái. Hầu hết các khẩu hiệu
kinh tế, chính trị của ông Trump đều xuất phát từ mạng Breibart News do ông
Bannon chủ trì từ nhiều năm qua, dưới sự bảo trợ của vợ chồng tỷ phú Robert
Mercer và cô con gái, Rebekah.
Ông Bannon
làm chiến lược gia của Tòa Bạch Ốc khi ông Trump nhậm chức. Sau nửa năm, đẩy được
ông chánh văn phòng cũ, cuối cùng Bannon cũng rút lui vì không thể làm việc
chung với ông chánh văn phòng mới, một vị tướng thủy quân lục chiến quen sống với
kỷ luật. Ra khỏi tòa nhà trắng, Bannon được tự do, trở về chiến khu mạng
Breibart. Muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.
Trong cuộc bỏ
phiếu nội bộ ở Alabama, ông Trump nghe lời ông McConnell và các nghị sĩ Cộng
Hòa khác, đi vận động cho Luther Strange, nghị sĩ đương nhiệm. Còn Bannon ủng hộ
thẩm phán cực kỳ bảo thủ Roy Moore. Kết cục Roy Moore thắng. Lại thêm một cơ hội
cho ông Trump suy nghĩ: Có nên “làm ăn chung” với mấy ông già trong Quốc Hội
hay không?
Trong khi đó,
Bannon đang xung trận. Ông mới nói thẳng thừng: Sẽ vận động cho một thế hệ các ứng
cử viên Cộng Hòa mới, lật đổ những người đương nhiệm, trong đó có Mitch
McConnell. Hai người, Trump và Bannon đã đồng ý và phân công: Bên ngoài, Bannon
sẽ xây dựng một lớp ứng cử viên đảng Cộng Hòa mới. Bên trong, Trump tiếp tục
đóng vai lãnh đạo. Ông sẽ bảo vệ, củng cố những cử tri nòng cốt năm ngoái, bằng
những lời tuyên bố và các sắc lệnh xóa bỏ những gì cựu Tổng Thống Obama đã làm.
Sang năm ông Trump sẽ đem số “vốn liếng chính trị” đó dồn cho các ứng cử viên hợp
với ý mình hơn trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ trong đảng Cộng Hòa. Họ sẽ đánh bại tất
cả các đối thủ, như ông Trump đã từng làm năm 2016.
Những điểm
chính mà những cử tri nòng cốt của ông Trump thiết tha là: Nước Mỹ trên hết, thế
giới bên ngoài không quan trọng. Bảo vệ các công nhân bị mất việc vì ngoại
thương và kỹ thuật thay đổi. Khôi phục địa vị của những người “Mỹ gốc.” Không
thích di dân, không cần di dân. Các hiệp ước thương mại tự do đều đáng nghi ngờ,
vì có thể làm công nhân Mỹ mất việc. Ngoại giao là chuyện nói chơi cho vui, vũ
lực mới quan trọng. Ngoài ra, các chuyện khác không quan trọng.
Có thể đoán Tổng
Thống Donald Trump và cố vấn Bannon đang thực hiện một chương trình thay đổi đảng
Cộng Hòa. Câu hỏi là: Liệu hai ông có triển vọng thành công hay không? Câu hỏi
tiếp theo là: Nếu họ thành công, liệu lớp lãnh đạo mới có thể chiếm được đa số
phiếu của dân Mỹ hay không?
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét