Tổng thống Donald Trump bắt tay vào việc. Ảnh
ngày 23/01/17REUTERS/Kevin Lamarque
Báo Le Monde số ra ngày
24/01/2017 có bài nhận định của hai chuyên gia chính trị Alexandra De Hoop
Scheffer và Martin Quencez về chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ. Bài
viết đề tựa : « Với Donald Trump, Hoa Kỳ không còn có chiến lược lớn ».
Theo quan sát của nhật báo, dự án của tân chính quyền Hoa Kỳ dựa trên hai yếu tố
: chính sách bảo hộ mậu dịch và quay lại với chủ trương đơn phương hành động.
Alaexandra De Hoop Scheffer
là giám đốc trung tâm cố vấn xuyên Đại Tây Dương GMF (German Marshall Fund of
The United States) tại Paris. Còn Martin Quencez là chuyên gia nghiên cứu tại
GMF. Đầu tiên hết, bài viết nhận định, kể từ khi chiến tranh lạnh kết
thúc, Hoa Kỳ đã thực hiện « một chiến lược lớn » nhằm duy trì sự ưu việt
của mình trên thế giới, ngăn cản sự trỗi dậy của các cường quốc đối thủ. Dưới
thời chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã nhanh chóng đi vào thế kỷ 21, thừa nhận một
thế giới đa cực và hiểu được những hạn chế của Mỹ.
Obama đã làm thay đổi vai
trò của Mỹ, từ chỗ là « một quốc gia thiết yếu » chuyển sang thành « một
đối tác thiết yếu », thông qua chính sách hợp tác với các đồng minh và cùng
tồn tại với các quốc gia đối thủ như Trung Quốc, Nga, Iran. Và Hoa Kỳ tập trung
vào việc bảo vệ các lợi ích « sống còn » của mình.
Hướng đi này chấm dứt. Donal
Trump trở thành tổng thống với chủ trương « Nước Mỹ trước tiên », chú trọng
tới các « giao dịch », thương lượng mang tính chiến thuật, mà không chú
ý tới các giá trị và các cam kết của Hoa Kỳ.
Dự án của tân chính quyền dựa
trên hai yếu tố kháng cự lại tiến trình toàn cầu hóa : thứ nhất là chủ nghĩa bảo
hộ kinh tế và phê phán xu hướng tự do mậu dịch, thứ hai là độc lập chiến lược
và quay lại chủ trương đơn phương hành động. Đối với Donald Trump, ngoại giao
là một cuộc mặc cả lớn trên mọi lĩnh vực và trong đó, các liên minh chỉ có ý
nghĩa nếu phục vụ các lợi ích của Hoa Kỳ. Nếu không, Donald Trump sẽ cho tiến
hành đàm phán lại.
Theo hai tác giả, cách tiếp
cận như vậy có nguy cơ làm suy yếu kết cấu toàn cầu. Nguy cơ ở chỗ là
Washington ưu tiên ký kết các thỏa thuận song phương, trong khi những thách thức
của thế kỷ như biến đổi khí hậu, phát triển vũ khí hạt nhân, di dân… đòi hỏi phải
có cách tiếp cận đa phương và tầm nhìn chiến lược.
Việc xử lý các cuộc khủng
hoảng quốc tế phụ thuộc vào khả năng Hoa Kỳ hợp tác với các cường quốc khác cho
dù những nước này không phải lúc nào cũng chia sẻ các lợi ích và giá trị cùng với
Mỹ, thậm chí còn có lợi ích liên quan ngay trong các khủng hoảng này.
Thế nhưng Donald Trump giờ
đây đề cao tư tưởng thực dụng và sự thiếu vắng chiến lược lớn sẽ có những hậu
quả tất yếu đối với việc xác định chính sách đối ngoại của Mỹ. Liệu Donald
Trump sẽ phó mặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho bộ trưởng Quốc Phòng James
Mattis và ngoại trưởng Rex Tillerson hay không ?
Bài viết nhấn mạnh, đây là
hai chính khách có hai cách nhìn khác nhau về đối ngoại, đặc biệt là trong quan
hệ với Nga. Bên cạnh đó, tân tổng thống Mỹ có quan hệ căng thẳng với báo chí, với
giới tình báo và một số phe nhóm tại Quốc Hội. Tất cả những yếu tố này không tạo
thuận lợi cho việc ra các quyết định quan trọng.
Cuối cùng, các tác giả kết
luận : các nước châu Âu không nên ảo tưởng, tự ru ngủ. Quan hệ Mỹ-Âu đang đi
vào giai đoạn bất ổn định và lục địa già có thể trả giá đắt nếu không chuẩn bị
tốt để đối phó với hoàn cảnh mới.
TPP : Một trong số các « nạn
nhân » đầu tiên của Trump
« Trump khởi động cuộc tấn
công nhắm vào các thỏa thuận tự do mậu dịch » là thông báo của Les Echos.
Tân tổng thống Mỹ, hôm qua, 23/01/2017 đã ký nhiều sắc lệnh trong đó có một văn
bản chôn vùi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP.
Nhật báo kinh tế trích dẫn
phát biểu của Reince Priebus, chánh văn phòng của Donald Trump, trên đài truyền
hình Mỹ Fox News, hôm Chủ Nhật 22/01 cho rằng ông chưa bao giờ thấy một ai làm
việc hăng hái, nhiệt huyết như tân tổng thống Mỹ.
Sau kỳ nghỉ cuối tuần sôi động
do các cuộc biểu tình rầm rộ sau lễ nhậm chức, tân tổng thống Hoa Kỳ muốn chứng
tỏ là ông không muốn để mất một phút nào, khẩn trương thực hiện các lời cam kết
mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Các sắc lệnh đầu tiên được ký hôm thứ
Sáu (20/01) nhắm vào việc ngăn cản áp dụng chương trình cải cách bảo hiểm y tế
Obamacare.
Hôm qua, 23/01 ông ký tiếp
các sắc lệnh liên quan đến các hiệp định tự do mậu dịch và trước tiên là hiệp định
Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Trước khi ký sắc lệnh rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP,
Donald Trump tuyên bố không muốn tự do mậu dịch nữa, bởi vì Mỹ là nước duy nhất
tạo thuận lợi cho các nước khác tiếp cận thị trường của Hoa Kỳ.
Theo các cố vấn thân cận của
tân tổng thống Mỹ thì từ nay, ông dành ưu tiên cho các hiệp định tự do mậu dịch
song phương và thậm chí có thể tìm cách ký các hiệp định riêng rẽ với từng nước
vốn đã ký TPP. Thứ Sáu 27/01 tới đây, nguyên thủ Mỹ gặp thủ tướng Anh Theresa
May, để đề ra những cơ sở cho một thỏa thuận thương mại giữa Washington và Luân
Đôn, vào lúc Anh Quốc đang chuẩn bị các cuộc thương lượng về Brexit.
Trong tuần này, tân chính
quyền Mỹ sẽ ra các quyết định liên quan đến một số thỏa thuận thương mại khác,
đặc biệt là hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ - NAFTA, có hiệu lực từ năm 1994 mà
Donald Trump đã cam kết sẽ cho đàm phán lại. Theo giới thân cận Donald Trump,
tân tổng thống Mỹ muốn là NAFTA khuyến khích các tập đoàn xe hơi Mỹ sản xuất
nhiều hơn trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Thậm chí, Donald Trump có thể áp đặt điều kiện
là các tập đoàn xe hơi chỉ có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình nếu một phần
các sản phẩm này được làm tại Mỹ.
Les Echos cho biết là cũng
trong ngày hôm qua, trong cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ như
Ford, Lockheed Martin, Johnson & Johnson, tân tổng thống Hoa Kỳ nói đến khả
năng tái lập mức thuế quan rất cao nhằm trừng phạt những doanh nghiệp Mỹ sản xuất
ở nước ngoài.
Mặc dù tỏ ra rất năng động,
muốn bắt tay làm việc ngay, tổng thống Mỹ vẫn còn phải chờ đợi, bởi vì một phần
lớn các bộ trưởng trong chính quyền vẫn chờ sự chấp thuận của Thượng viện. Cho
đến hôm nay, Thượng viện Hoa Kỳ mới chỉ phê chuẩn việc bổ nhiệm bộ trưởng Quốc
Phòng và Nội Vụ.
Iran : Một đích ngắm khác của
Donald Trump
Liên quan đến Cận Đông, Les
Echos cho hay « Iran trong tầm ngắm của tân chính phủ Hoa Kỳ ». Tân tổng
thống Mỹ rất có thể sẽ lên án thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran, công khai
chỉ trích hành động gây bất ổn của Teheran trong khu vực.
Đây là một trong số các hồ
sơ quốc tế mà việc ông Trump lên cầm quyền đang làm dấy lên nhiều mối quan ngại.
Sau nhiều thập niên thương thuyết, liệu ông Trump có « xé bỏ » thỏa thuận
hạt nhân đã có hiệu lực cách đây đúng một năm ? Trước đó, ông đã từng đánh giá
hiếm khi thấy một thỏa thuận nào « tai hại » như thế.
Quyết định « xé bỏ » đó có
thể sẽ mở ra một cuộc khủng hoảng không những giữa Washington và Teheran, mà cả
với các đồng minh phương Tây và Nga hay Trung Quốc. Ngay cả những người phản đối
thỏa thuận này, như UANI (United against Nuclear Iran) « cũng không khuyến
khích Hoa Kỳ lên án tức thì » và mở một cuộc đàm phán mới giữa Teheran với nhóm
5+1 (tức năm cường quốc Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh Quốc, Pháp và có thêm Đức).
Theo quan điểm của nghị sĩ
Joseph Lieberman, thuộc đảng Dân chủ, nổi tiếng chống lại thỏa thuận « ông
Donald Trump vẫn phải tấn công chí ít là việc vi phạm trên nhiều lĩnh vực từ hạt
nhân, chương trình tên lửa đạn đạo và ủng hộ quân khủng bố, gây bất ổn các nước
láng giềng, cho đến nhân quyền ». Cũng theo vị nghị sĩ này, « chính sách
của Hoa Kỳ đối với Iran sẽ thay đổi một cách đáng kể. Nhưng phải chờ xem như thế
nào ».
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét