Giới thiệu Lý Thắng với bạn đọc có lẽ là việc thừa, vì bạn đọc đã có dịp làm quen với tác giả này từ nhiều năm qua, trên mặt báo Tự Do.
Tuy nhiên, vẫn có điều đáng để giới thiệu với bạn đọc : mỗi năm Lý Thẳng chỉ viết có MỘT truyện ngắn. Truyện của năm nay, Lý Thắng dành cho các bạn đọc thân mến của Văn.
Tiện đây, cũng xin nói thêm Lý Thắng là một bút hiệu khác của Như Phong — một tên tuổi quen thuộc mà chúng tôi đã nêu ngoài bìa Văn số trước. - VĂN
Bìa tạp chí Văn ra ngày 15-2-1964
có đăng Người Bán Truyện của Lý Thắng
có đăng Người Bán Truyện của Lý Thắng
Lúc ấy đã gần mười hai giờ trưa mà tôi không làm được một việc gì khác ngoài việc tiếp khách. Người
thứ tám vừa rời khỏi phòng làm việc của tôi thì chú em chạy giấy đã đặt trước mặt
tôi một phong thư nhỏ. Bì thư bằng giấy dày nhưng nhầu nát, sắc đã ố vàng và có
nhiều vết bẩn. Dường như phong thư đã được người mang nó giữ quá lâu ngày trong
mình trước khi giao cho tôi. Phong bì không dán, trong có một tấm danh thiếp.
Tôi mừng rỡ khi đọc thấy tên người in trên thiếp. Đó là một người bạn làm nghề
khai thác lâm sản ở cao
nguyên. Mặc dầu đã từ lâu nay hai chúng tôi chỉ gặp nhau mỗi năm nhiều ra là một
lần, nhưng tình thân không vì thế mà phai nhạt. Mặt sau tấm thiếp viết:
« Anh
hãy nghe bạn tôi, người cầm giấy này và hãy giúpnếu anh ta cần. Như
thế là anh giúp chính tôi vậy ».
Nơi và ngày viết
không được ghi nhưng tôi nhận đúng chữ ký của bạn tôi dưới đó. Vả lại, lời lẽ ấy
mà dùng đề viết cho nhau thì không thế của ai khác ngoài hai chúng tôi. Đó là một
thứ ngân phiếu không hạn định giá trị về thời gian cũng như về khoản xuất mà
người nhận có bổn phận phải thanh toán. Tôi ngửng lên. Chú em chạy giấy vẫn đứng
đợi bên bàn. Chú em nghiêng đầu vừa cười vừa nói:
Em chắc lại phải chi tiền thôi.
Sao chú biết ?
Ông này trông bê bối lắm, em đoán là dân đọi.
Ông thủ quỹ còn đó không ?
Lúc em vào đây thì ông ấy chưa về.
Tôi biên nhận một nghìn đồng trên một tờ giấy trắng và ký tên.
Chú em đón lấy tờ giấy, mỉm cười và nói :
Anh chi rộng thế ! Em chẳc anh chỉ cần một tờ là đủ.
Tôi cũng mỉm cười :
Chú đã từng thấy tôi chi rộng bao giờ chưa ? Tôi cũng muốn
nhân dịp này cấu trước được đồng nào hay đồng ấy.
Chú em quay gót nhưng rồi dừng lại bên cửa và hỏi :
Em lấy tiền rồi đưa người ấy vào đây luôn thể có được không,
anh ?
Đừng. Chú đưa người ấy vào đây trước, rồi ra lấy tiền sau. Nhớ
kẹp tiền vào trong một cuốn sách rồi đưa cho tôi như mọi lần.
Một phút sau chú em đưa người khách lạ vào. Tôi đứng dậy sau
bàn khi hắn bước tới. Hắn cao, gầy khô, nước da như hun khói. Tay hắn cầm một
gói nhỏ bọc giấy dầu. Quần áo hắn cũ và bụi ghét nâu đỏ còn bám ở vành cổ, ở cửa
tay. Tôi nghĩ ngay rằng đây là một dân nghiện. Tôi không hiểu tại sao bạn tôi lại
thân với hạng người này và bắt tôi phải giúp. Tôi không muốn bắt tay hắn, nhưng
vì người đã giới thiệu hắn, tôi dành chìa tay ra. Bàn tay hắn nghiêm nghị nắm lấy
bàn tay tôi. Cặp mắt to có ánh bàng bạc trong con ngươi nhìn tôi cùng một vẻ
nghiêm nghị như vậy.
Tôi hoang mang trong một khoảnh khắc vì tự thấy đã vội đánh
giá hắn một cách sai lầm. Tôi nghĩ lại rằng hắn không nghiện thuốc phiện nhưng
có lẽ hắn ho lao. Tôi mời hắn ngồi, mặc dầu là trước đó tôi đã định cứ đứng mà
nói chuyện đề rút thật ngắn cuộc gặp gỡ. Tôi nhìn hắn kỹ hơn để đo lường lại và
hắn cũng nhìn tôi cùng một kiểu ấy. Ánh mắt, khóe miệng của hắn có một vẻ gì cười
cợt mà kiêu kỳ. Lần này tôi lui một bước nữa. Có lẽ hắn mắc bệnh đau tim thì
đúng hơn. Càng nhìn hắn tôi càng thấy như hắn đoán được ý nghĩ của tôi. Rõ ràng
là cái nhìn của hắn đang cải chính rằng hắn hoàn toàn lành mạnh.
Tôi cúi xuống tấm thiếp, đọc lại một lần nữa và đặt nó ở đúng
giữa khoảng cách hắn và tôi. Hắn khẽ gật đầu. Tiếng nói của hắn ấm và chắc :
Tôi có một số truyện muốn bán. Bạn của chúng ta cho biết rằng
ông có thể giúp tôi.
Tôi chỉ cất tiếng được sau một cái đằng hắng. Và tôi nói liền
một mạch :
Ở
đây chúng tôi chưa cần. Nhưng nếu ông muốn thì tôi có thể giới thiệu ông
đến một vài nơi có thể mua giúp ông được. Ông cho biết là tác phẩm của ông gồm
những truyện ngắn hay truyện dài và thuộc loại nào ? Nếu ông có mang theo, xin
ông để lại đây tôi đọc và sẽ chỉ chỗ tiêu thụ cho ông sau.
Hắn đáp, mắt vẫn nhìn thẳng vào mắt tôi :
Truyện ngắn, truyện vừa vừa, truyện dài, truyện thật dài và đủ
mọi loại. Kiếm hiệp hoang đường, trinh thám, khoa học giả tưởng, phong tục, xã
hội, tình cảm, chiến tranh... Mọi thể, mọi loại tôi đều có đủ cả đây.
Tôi chưa từng nghe một tác giả nào nói với tôi bằng một giọng
như đấm vào tai thế này. Đã vậy, hắn vẫn nhìn tôi soi mói. Lần này thì nhất định
là tôi đánh giá hắn không thể sai. Hắn mắc bệnh thần kinh. Đúng lúc đó chú em
chạy giấy bước vào và đưa cho tôi một cuốn sách và bỏ vào ô rút. Tôi chỉ cái
gói của hắn đặt trên mép bàn :
Ông để lại vài truyện ngắn nào mà ông cho là đắc ý hơn cả để
tôi đọc. Ngày mai ông trở lại tôi sẽ trả lời.
Hắn nhếch mép :
Tôi không có truyện nào cho ông đọc cả. Đây là cái gói áo của
tôi.
Hắn ngừng nói để chỉ ngón tay vào giữa trán và tiếp :
Truyện của tôi để cả ở trong này.
Tôi nhẫn nại:
Ông vừa nói rằng loại nào, thể nào ông cũng có sẵn.
Hắn gật đầu quả quyết:
Phải. Ông muốn nghe loại nào, tôi sẽ kể.
Tôi cau mày :
Tôi không có thời giờ để nghe ông kể.
Hắn không đáp. Hắn nhìn tôi bằng một cái nhìn rõ ra là của kẻ
cả. Chợt hắn chăm chú nhìn xuống mặt bàn như tìm thấy vật lạ. Vô tình tôi nhìn
theo và nhận ra tấm thiếp bày giữa hắn và tôi, « Hãy nghe và giúp ! » Bạn tôi đã nhờ cậy, tôi không có quyền từ
chối. Tôi ôn tồn nói với hắn sau một tiếng thở dài không nén nổi :
Vâng. Tôi xin chiều ý ông vì là ý của bạn chúng ta. Nhưng ông
hãy để tôi đi lấy nước uống rồi ông sẽ kể.
Tôi móc túi lấy bao thuốc lá và bao diêm đặt lên bàn. Lúc tôi
trở lại, đặt hai ly nước trà trên bàn thì điếu thuốc trên môi hắn đang tỏa
khói. Tôi ngồi ngay ngắn, lưng tựa vào ghế, hai tay khoanh trước ngực. Không thấy
hắn cất tiếng, tôi giục :
Xin nghe.
Hẳn đáp, mắt nhìn một góc tường :
Ông chưa cho biết ông muốn nghe loại truyện nào ?
Tôi nói gọn, không suy nghĩ :
Một truyện ngắn, loại xã hội.
Nhưng ông muốn tình tiết trong truyện như thế nào đã? Chẳng hạn
làm cho ông vui, buồn, mừng tủi thương cảm hay nổi giận ?
Lần này tôi phải nghĩ kỹ hơn. Rồi tôi nói :
Đủ cả chừng ấy thứ, nhưng không được có máu chẩy, không được
có người chết.
Xin ông đợi một phút để tôi tìm.
Hắn gẩy nhẹ ba đầu ngón tay làm như giò trang sách. Rồi hắn kể.
*
Bọn chúng tôi có bốn đứa. Xưa kia chúng tôi là sáu nhưng hai đứa
không còn vết tích trong chiến dịch cuối cùng trước đình chiến. Bốn đứa còn lại
không đứa nào nguyên vẹn. Mỗi đứa một thương tật. Tắt tiếng súng là chúng tôi tự
cho phép giải ngũ. Trước khi mỗi đứa mỗi ngã để tìm cuộc sống mới, chúng tôi
giao ước với nhau là mỗi năm phải gặp lại nhau một lần và chỉ một lần thôi.
Ngày gặp nhau là tết Ông Táo, đúng mười giờ sáng và nơi gặp là trước ga xe lửa.
Dù đứa nào làm ăn đâu đâu, ngày ấy cũng phải bỏ công việc mà về với anh em. Một
đứa vắng mặt là coi như đứa ấy tịch và dù chưa tịch mà sai hẹn thì chỉ ít lâu
sau nó cũng phải tịch. Chúng tôi đã nguyền thì độc lắm. Bởi thế, cho đến năm
ngoái bốn đứa chúng tôi còn đủ, và câu chuyện tôi kể đây xảy ra vào năm kia.
Năm ấy tôi làm công tại một hãng bán xe hơi. Phần việc của tôi
chỉ là lau chùi những xe bày làm mẫu và mở cửa đóng cửa cho khách đến xem xe.
Việc nhàn hạ như vậy cho nên đồng lương cũng hạ. Tuy vậy tôi đã phải lễ trước
Ông Sếp đủ ba tháng lương mới được tuyển vào chân ấy. Tôi được tuyển đầu tháng
tám, giữa lúc xe đang về nhiều. Đến giữa tháng chạp, xe về bán đã vãn, Sếp bảo
tôi rằng hãng hết việc nên hết tháng chủ cho tôi nghỉ. Thế là làm việc bốn
tháng, tôi chỉ được trả lương có một tháng. Tiền đi vay để lễ Sếp, tôi chỉ mới
trả được lãi gốc vẫn còn nguyên. Đã thế, lại còn những món vay từ những ngày thất
nghiệp. Bởi vậy khi nghe Sếp báo tin tôi phải nghỉ việc, tôi thấy chẳng khác
nào khi xưa mỗi lần nghe cấp chỉ huy ra lệnh sửa soạn đi chiến dịch. Lúc ấy,
tôi nhìn Sếp là quân thù và tôi rắp tâm sẽ tự mình thi hành công lý. Đêm ấy tôi
nằm nghĩ được ba kế. Một là tôi khoắng một mẻ lớn trong khu Sếp trông coi, như
thế Sếp sẽ phải đền cho hãng mà phần tôi, bán các thứ khoắng được ấy tôi sẽ vớt
vát lại được số tiền đã bị Sếp ăn chặn. Hai là tôi sẽ thi hành cái thủ đoạn sở
trường của tôi trước kia là phá hoại, như thế Sếp sẽ phải trách nhiệm, có khi mất
việc theo tôi không chừng. Ba là tôi đợi ngày lĩnh lương, tôi đón đường Sếp, đập
cho Sếp một trận tơi bời và lột kỳ nhẵn.
Từ đầu tuần ấy tôi chú ý xem xét từng ly từng tí để thi hành
không kế nọ thì kế kia và có thể là cả ba kế một lượt. Sang ngày thứ năm, tất cả
tâm trí tôi để hết vào cái két sắt kê ngay sau chỗ ngồi của Sếp. Mỗi ngày nhiều
lần tôi trông thấy Sếp bỏ vào két hoặc lấy ra hàng tập giấy bạcr và
cứ mỗi buổi chiều trước khi tan tầm Sếp đếm lại tiền, bỏ hết vào cái túi vải
gai mầu xanh để xách đi nộp chủ. Tôi đã đếm từng bước của Sếp từ bàn ra cửa sau
phòng giấy, qua hành lang hẹp để tới cầu thang nhỏ lên phòng chủ hãng. Hành
lang ấy vừa tối vừa không mấy ai qua lại, thật tiện cho tôi dùng làm nơi thi
hành công lý. Tôi chỉ cần đứng nép vào chân thang đợi Sếp đi tới. Khi Sếp đưa
tay trái ra để vịn lan can thang, tôi sẽ nắm lấy bàn tay Sếp, giật mạnh, tay
kia tôi chặt cho một nhát vào gáy Sếp, đầu gối tôi thúc thêm một cú vào bạng dưới
Sếp. Thế là tôi có thể nhẹ nhàng đón ngay lấy cái túi vải gai xanh và nhẹ nhàng
bước ra đường mà không một ai kịp hay biết.
Suốt sáng thứ sáu, tôi vờ lau chùi hết chỗ nọ đến chỗ kia
nhưng thật ra tôi chỉ làm có một việc là đếm nhẩm những số tiền hàng Sếp thu
vào. Trước giờ tan tầm trưa, tiền thu ước đã trên bốn chục nghìn. Còn buổi chiều
nữa. Nếu cứ đà này thì cái túi vải gai xanh hôm nay sẽ phải chứa trên dưới trăm
nghìn. Tôi sẽ lại đi xa. Có thể tôi sẽ trở lại nơi mà sáu năm trước tôi đã tự
cho phép giải ngũ. Nơi ấy có một cửa sông nhỏ nước trong xanh, có dừa mọc như rừng
và đàn bà con gái không xấu như những nơi khác.
Buổi trưa, tôi ăn một bữa thật no. Tôi về qua nhà trọ, mặc
thêm bộ cánh lành và sạch bên trong bộ quần áo tàng tôi vẫn mặc thường ngày.
Tôi sẽ phải trút lốt giữa đường khi cần đến. Trở lại sở làm, tôi thấy tôi trẻ
và khỏe lại như thời tôi còn xông xáo chiến địa mà chưa mất chiếc xương sườn
nào. Tôi làm việc chăm chỉ. Tôi thôi đếm nhẩm những số tiền chui vào két. Tôi
chỉ canh chừng cái túi vải gai xanh. Gần đến giờ tan tầm, cửa két mà mở ra là lập
tức tôi sẽ biến vào chân thang ở mé trong kia.
Khoảng ba giờ rưỡi có hai người đàn ông đứng tuổi, quần áo
sang trọng vào xem chiếc xe thể thao sơn màu trắng ngà. Tôi mở phanh hai cửa xe
và chắp tay đứng hầu một bên, quay lưng về phía bàn giấy Sếp. Tuy vậy tôi vẫn
canh chừng Sếp với cái két sắt nhờ những mặt kính của dãy tủ hàng bên kia mà liền
mấy hôm nay tôi luôn tay mài không để lúc nào vương một hạt bụi. Hai người
khách lên xe ngồi thử, vặn chốt này, xoay nút kia, xuống, lùi ra ngắm phía trước,
vòng ra phía sau, rồi lại lên xe, nhún nhẩy, rồi xuống và ra nói chuyện với Sếp.
Tôi yên tâm dùng khăn vải nõn chùi thật kỹ tất cả những chỗ mà khách vừa sờ mó,
bắt đầu từ tay lái. Một đám khách nữa vào. Rồi nhiều đám khách nữa, gồm đàn
ông, đàn bà, cả trẻ nhỏ tay níu quả bóng bay lớn bằng mười cái đầu chúng nó. Mỗi
chiếc xe có cả chục người vây quanh. Tôi lo ngại nhìn về phía Sếp. Ghế của Sếp
bỏ trống từ bao giờ. Tôi bước vội ra một góc để có thể nhìn khắp phòng. Tôi tìm
thấy ngay Sếp ở bên một cửa ra đường. Sếp chắp hai tay trên ngực vái hai người
khách sang trọng đang đi ra. Rồi Sếp quay vội vào, hai bàn tay vừa buông xuống
lại chắp vội trên ngực. Sếp vái chào một người đàn ông mập trắng đi với một người
đàn bà cũng mập trắng. Sếp dùng một khuỷu tay gạt một anh trẻ tuổi có bộ dạng học
trò để mở lối đến sát bên chiếc xe lồng kính kiểu Ý bốn chỗ ngồi. Mặt Sếp tươi
rói, môi Sếp mấp máy, hai bàn tay Sếp đánh vật với nhau ngay trước ngực. Rồi Sếp
khom lưng, đưa tay phải mở cửa xe, bàn tay trái ngửa ra mời khách lên xe.
Tôi quay mặt nhìn đi chỗ khác để khỏi phải văng tục. Sếp xum
xoe mời chào khách bên chiếc xe ấy không phải vì hãng mà chỉ vì mối lợi riêng của
Sếp. Xe ấy đã có người mua, tiền hình như đã trả đủ, nhưng rồi người mua không
lấy xe và giao cho Sếp bán hộ. Tôi nghe nói xe ấy về đã hơn sáu tháng mà Sếp vẫn
chưa chài được mối nào. Nếu được, phần ăn có của Sếp ắt phải bạc vạn. Tôi bỗng
đưa mắt ra đường. Một chiếc xe hơi lớn, mầu sơn đen láng, nước kền trong như mặt
gương, kính cửa đã pha mầu cho khỏi chói nắng mà phía sau còn che rèm. Người
lái xe đội mũ lưỡi trai, áo trắng khuy đồng, mở cửa bước xuống hè. Từ bộ dạng đến
quần áo, anh lái xe này oai vệ không kém cấp chỉ huy của tôi xưa kia trong bộ lễ
phục. Anh ta cúi mở cửa sau và cung kính lùi lại theo cánh cửa lớn mở hết cỡ. Một
ông nhanh nhẹn ra khỏi xe dắt theo một người đàn bà. Người đàn bà còn rất trẻ,
trang sức cực kỳ lộng lẫy. Không phải chỉ một mình tôi đứng ngẩn ra mà tất cả
những khách xem xe cũng ngẩn ra. Tất cả đều quay mặt về phía cửa chính. Người đàn bà
trẻ nắm tay người đi bên, tung tăng bước vào, làm như chung quanh không có một
ai.
Bảo rằng người đàn bà này đẹp không thôi thì tôi cho là chưa đủ.
Có lẽ phải nói rằng mỗi người đàn ông đều mong có một người đàn bà như người
này ở mãi bên cạnh. Chính tôi cũng thấy nét mặt người đàn bà này quá quen thuộc.
Rõ ràng là nét mặt ấy đã in vào tâm trí tôi từ lâu lắm, tôi không thể biết là từ
bao giờ. Sếp của tôi là kẻ nhúc nhích đầu tiên. Sếp bước về phía hai người. Tôi
nhận rõ càng tới gần hai người bước đi của Sếp càng ngập ngừng, vẻ mặt Sếp càng
bối rối. Nhưng người đàn ông chỉ khẽ phất tay, Sếp cũng đã như người mê chợt tỉnh.
Sếp tạt ngang, cúi đầu, rồi Sếp như biến mất trên lối đi của hai người.
Bỗng người đàn bà trẻ dừng lại. Vành môi cô ta hơi cong lên.
Dường như cô ta ngần ngại điều gì. Người đàn ông chỉ chiếc xe thể thao. Cô ta
khẽ nhún vai nhưng cũng bước tới. Tôi dời chỗ đứng, đi vòng ra phía ngoài để đến
sau chiếc xe thể thao. Lúc đi sát chiếc xe lồng kính, tôi nghe có người nhắc đến
tên một nữ ca sĩ lừng danh. Lúc ấy tôi mới chợt nhớ ra. Hèn nào tôi trông mặt
cô ta quen quá. Nữ ca sĩ ấy đã ở liền bên tôi trong suốt một tháng. Ba mươi mốt
ngày chẵn, chính cặp mắt ấy nhìn tôi đắm đuối, chính đôi môi ấy cười tình với
tôi. Trước kia chỗ cô ta ở ngay kia, trên tường sau lưng Sếp, bên cạnh cái két
sẳt. Tháng sau đấy là cô khác và tháng này, một cô khác nữa.
Như Sếp đã dạy bảo, tôi chọn một chỗ đứng đủ kín đáo để khỏi
làm bận mẳt khách nhưng cũng đủ không lẫn với những người khác để khách nhận ra
mà hỏi đến hoặc sai bảo khi cần. Lúc này tôi bắt đầu chú ý đến người đàn ông.
Không gầy cũng không béo, sẳc mặt hồng hào, ông ta chẳng những sang trọng và
còn rõ ra là gặp vận đang lên. Tôi trông mặt ông ta cũng quen quá. Hình như đã
có lần tôi thấy hình ông ta in lớn hơn ảnh những ông lớn khác trưng khá lâu
trên tấm bảng dán hình thời sự trong phòng thông tin ở góc đường đằng kia. Nữ
ca sĩ đứng tựa một nửa người vào ngực ông lớn, mái tóc bồng bềnh che lấp một
bên cánh nơ mầu tím đốm trắng, gắn trên cổ áo ông lớn. Khẽ nghiêng đầu, ông lớn
đưa mũi sát vào mái tóc ấy. Cánh mũi ông lớn khẽ hỉnh lên như nhắc tôi đừng quá
tò mò. Tôi nhìn xuống những nan hoa ở bánh sau chiếc xe hơi. Nhưng tôi không phải
nhìn xuống lâu. Nữ ca sĩ nhích gần đến bên xe. Tôi cũng tiến lên, cố thu hình
cho nhỏ lại, mở cửa bên tay lái và lùi ngay ra. Nữ ca sĩ đặt một chân lên sàn
xe, mắt nhìn dãy đồng hồ chi chít sau bánh lái. Đột nhiên nữ ca sĩ ngoảnh lại,
mặt hóng lên nhìn ông lớn, miệng thỏ thẻ :
Cưng ơi cưng, mua cho em chiếc xe này đi. Mấy ngày nữa là Lễ
Giáng Sinh rồi mà cưng chưa có gì cho em cả.
Ông lớn nói trong cổ họng :
Ừ hứ !
Nhé, cưng của em nhé ! Lấy cái xe này, vài hôm nữa em lái cưng
đi chơi núi. Em khoái kiểu xe này lắm. Cưng mua liền cho em đi.
Lúc ấy ông lớn mới mở miệng :
Xe này mầu trắng không hạp với em. Mà ngồi xe không mui hư hết
tóc đẹp của em.
Nữ ca sĩ khẽ nhíu mày, buông chân xuống, xập cửa xe lại, lùi
ba bước về phía cuối xe và đáp :
Ghét cái xe này mầu trắng thật. Nhưng cứ lấy tạm, đi vài bữa rồi
cho sơn lại cũng không sao. Có phải không, cưng của em ?
Ông lớn chưa kịp trả lời thì phía ngoài bỗng có tiếng chân bước
mạnh và tiếng nói sôn sao. Tôi nhìn ra, ông lớn cũng nhìn ra. Nhiều người xô đẩy
nhau ở lối cửa chính. Ông lớn thản nhiên quay đi, hai tay chắp sau lưng và lảng
về phía chiếc xe kéo máy cày ở gần đó. Tôi nghe rành rọt tiếng đàn bà quát the
thé ở lối vào :
Đó ! Đó ! Tụi bay vây chặt các cửa. Không cho thằng dê già với
con đĩ ngựa trốn thoát nghe !
Nữ ca sĩ quay phải quay trái rồi nắm chặt lấy cánh tay tôi và
nói trong hơi thở :
Cứu tôi với ! Có lối nào ra không ?
Tiếng quát bên ngoài lại the thé :
Đó ! Con đó đó ! Bẳt lấy nó cho tao, lẹ lên tụi bay !
Không suy nghĩ thêm, tôi nói không động môi :
— Đừng sợ. Đi thẳng đến cái cửa sắt lớn,
đẩy mạnh mà vào. Tôi đoạn hậu cho.
Đó là cửa xuống từng hầm, nơi dùng làm xưởng sơn xe. Người nữ
ca sĩ thoát đi rất nhanh. Tôi đi giật lùi mươi bước rồi quay hẳn lại. Vạt áo
sau của nữ ca sĩ thoáng hiện rồi mất hút sau cánh cửa lớn đang khép lại. Tôi rảo
bước vào theo, gài cửa phía trong. Nữ ca sĩ lại níu lấy tay tôi giọng năn nỉ :
Ra lối nào ? Chú làm ơn đưa tôi đi, tôi sẽ không bao giờ quên
ơn chú.
Tôi dắt người nữ ca sĩ đi ngang chỗ thợ đang làm việc. Những bộ
mặt lem luốc ngửng lên. Những cặp mắt kinh ngạc nhìn theo người đàn bà trẻ đeo ở
cánh tay tôi. Cả đến chú Chà canh cổng
ra vào của xưởng thợ cũng quên nhiệm vụ mà để cho chúng tôi ra một cách tự do.
Tôi vẫy một xe taxi, mở cửa cho người đi trốn lên xe và xập mạnh cửa lại. Chiếc
xe taxi mất hút ở đầu đường, tôi mới đi vòng trên hè phố để trở lại cửa trước.
Kể hoạch của tôi
không thi hành được buổi chiều hôm ấy. Sếp bảo bẩy người dưới quyền tan
tầm hãy ở lại để Sếp cho một chầu la ve. Bữa nhậu ấy cũng giúp tôi bớt bực dọc. Mọi người khen tôi là tĩnh và nhanh
trí, nếu không thì tất có án mạng xảy ra ngay trong hãng. Bà lớn đi bắt ghen
hai tay cầm hai khẩu súng lục liên và quân hầu đầy tớ đứa nào cũng có súng cả. Sếp
bắt tay tôi thật chặt và tuyên bố :
Nhờ có anh mà hôm nay hãng đã tránh được một vụ rắc rối lớn. Thay
mặt ông Chủ, tôi có lời ban khen anh.
Đáng lẽ chánh phủ cũng phải ban khen anh nữa. Nếu là thời trước
anh có thể được chức Cai Tổng, có khi được phong Huyện hàm. Tôi chỉ có thể nói
với anh bấy nhiêu.
Hôm sau là thứ bảy. Chẳng những kế hoạch của tôi rất kỵ ngày
thứ bảy mà tôi còn bị các bạn cùng sở chú ý đến quá nhiều. Chỉ còn mươi ngày nữa
là tôi phải nghỉ việc. Tôi lo thời gian ngắn ngủi ấy không đủ làm cho mọi người
quên tôi. Khoảng mười giờ sáng Sếp gọi tôi đến bên bàn giấy.
Mặt Sếp có vẻ không vui. Sếp nói :
Tôi đã trình việc hôm qua lên ông Chủ, cho nên hôm nay ông Chủ
gọi anh lên cho ông xem mặt. Nếu ông Chủ có hỏi anh tại sao lại đưa người lạ
vào xưởng thợ thì anh cứ thưa rằng tôi đã dặn anh trước là khi xảy ra việc lôi
thôi thi cứ làm như vậy, như vậy, nghe !
Tôi được đưa lên phòng giấy ông Chủ ở trên lầu. Đó là một vinh
dự mà tôi dám quyết rằng không một người làm công quèn nào như tôi đã được hưởng.
Nhưng lên tới phòng giấy có gắn máy lạnh, sàn lót thảm nhung, tôi chỉ gặp cô
thư ký riêng của ông Chủ. Cô thư ký nói, mắt chẳng thèm ngó tôi :
Anh đứng đợi ở đó. Lát nữa sẽ có người tới rước anh. Việc hay
cho anh đó.
Mươi phút sau, quả có người đến rước tôi. Người ấy chính là
anh lái xe của ông lớn hôm trước. Nhưng lần này anh ta lái một xe nhỏ và thường
hơn. Tôi được đưa đến một biệt thự xinh xắn ở một đường nhỏ, vắng nhưng hai bên
toàn những nhà có vườn rất rộng, cổng biệt thự có người canh bên trong và chỉ mở
ra sau khi anh lái xe nhận một tiếng còi nhỏ. Xe chạy thẳng vào sân trong. Anh
lái xe đưa tôi đi lối cửa sau lên phòng ăn. Ông lớn hôm trước ngồi ở đầu bàn,
quần áo chỉnh tề. Ông cho anh lái xe lui ra để ông nói chuyện với một mình tôi.
Ông khen ngợi tôi về việc làm hôm trước và hỏi tôi muốn ông ban cho ơn gì. Tôi
nhớ đến lời tiên đoán của Sếp trong bữa nhậu chiều hôm trước và tôi cười thầm.
Chức gì ngang với Cai Tổng hay Huyện hàm thời nay dù tôi có mài ra mà ăn được
thì cũng có ngày tôi sẽ bị đập vỡ mõm. Tôi nói thật cho ông lớn biết rằng hết
tháng này là tôi phải nghỉ việc và tôi chỉ mong có việc làm. Ống lớn cười, vỗ
bàn và nói :
Không khó ! Không khó.
Đoạn ông lớn hỏi lai lịch tôi. Tôi nói dối rằng trước kia tôi
lái xe vận tải nhiều năm, sau yếu sức phải nghỉ. Ông lớn nhìn tôi rất kỹ rồi gật
đầu. Có lẽ ông lớn đã tin rằng tôi nói thật. Khi nghe nói tôi chưa có vợ con,
ông lớn cau mày tỏ vẻ không bằng lòng. Ông lớn nói :
Tôi thấy anh lanh lợi,
tôi định cho anh làm ở đây, đi hầu bà. Bà đi đâu anh đi đấy. Nhưng anh không có
vợ, không được.
Tôi đứng yên, đợi ông lớn có quyết định khác. Một phút sau ông
lớn nói :
Tôi cho anh một đặc ơn
này. Nếu anh có người bạn nào cũng lanh lợi như anh, mà phải có vợ con, càng
nhiều con càng hay và phải thật thà kín đáo, tôi sẽ cho làm việc hầu bà ở đây.
Lương một tháng tôi cho năm ngàn. Tiền thưởng bà cho riêng. Anh đưa người ấy đến
làm ở đây, anh thay vào chỗ người ấy. Anh có quyền lựa chọn. Bấy nhiêu thôi.
Tôi nghĩ ngay đến thằng Chín. Trong bọn bốn đứa chúng tôi nó
là thằng hiền nhất mà vất vả nhất. Khi chúng tôi chia tay thì nó lấy vợ ngay, mỗi
năm đẻ một đứa và Trời hại nên nuôi được cả. Lúc ấy thằng Chín đang làm gác dan
cho một kho hàng, lương chỉ đủ cho các con ăn cháo. Không suy tính hơn thiệt,
tôi nhận lời ngay với ông lớn. Trưa hôm sau, Chủ Nhật, đúng hẹn, tôi đưa thằng
Chín tới. Tôi không hiểu tại sao mà khi trông thấy cái mặt phì phị của nó, ông
lớn bằng lòng ngay. Thế là nó làm việc tôi, tôi làm việc nó và ba kế của tôi đế
thi hành công lý với Sếp cũng thôi cả.
Như vậy đáng lẽ vợ chồng con cái thằng Chín và tôi, chúng tôi
phải hưởng ấm no hạnh phúc. Nhưng không. Chỉ hơn một tháng sau, ngày tết ông
Táo chúng tôi họp mặt và nó đòi trả lại việc cho tôi. Nó nhất định như thể và
nó bảo vợ nó cũng nằng nặc đòi như thế. Đây là chuyện nó kể với chúng tôi. Chuyện
ngắn thôi.
Ngay hôm sau, thằng Chín trở lại, mang theo tờ khai gia đình.
Ông lớn xem xong bèn cho nó thư giới thiệu đi bác sĩ khám bệnh. Đọc thư của ông
lớn xong, bác sĩ không bắt nó cởi áo mà chỉ hỏi nó về kế sinh nhai và đường vợ
con. Nó cứ thật nó khai. Bác sĩ nói :
— Như thế cũng phải. Tình cảnh của anh đáng thương hại như thế
mà đẻ con thêm nữa thì càng thêm khốn khổ. Tôi bằng lòng chữa cho anh để vợ chồng
anh nghỉ đẻ một vài năm. Nhưng tôi buộc anh phải giữ kín. Nếu anh nói ra, nhiều
người khác thừa ăn tiêu mà cũng bắt chước thì có hại cho sự sinh tồn của dân tộc
ta. Anh hiểu không ?
Thằng Chín mừng rơn, Nó không hiểu tại sao bác sĩ lại biết đến,
tận ruột gan nó đến như thế. Nó vâng dạ rối rít và thề sẽ giữ kín cho đến chết
việc bác sĩ chữa cho nó. Bác sĩ bảo nó cứ về, chiều hôm sau hãy trở lại. Hôm
sau đúng giờ hẹn, nó xin phép bà chủ mới để đến phòng mạch, Bác sĩ đưa cho nó
hai chai thuốc lớn, một chai dán giấy xanh, chai kia giấy đỏ.
Bác sĩ nghiêm trang nói:
Tôi muốn giữ gìn hạnh phúc cho gia đình anh nên phải cho thuốc
cả vợ anh nữa. Chai xanh là thuốc của anh, đỏ là của vợ anh. Một ngày uống hai
lần, lần thứ nhất sáng sớm, lần sau trước khi đi ngủ, mỗi lần hai thìa súp. Cứ
đúng như thế, một tuần sau anh đến đây tôi xem lại.
Nó đón lấy hai chai thuốc và tâm niệm lời bác sĩ vừa dặn. Bác
sĩ lại vui vẻ nói :
Thuốc này quý lắm. Có khi nhà tu cũng phải dùng đến. Nó là thuốc
diệt dục đấy. Nhưng anh đưa cho vợ anh uống thì anh cứ nói là thuốc điều kinh
và bổ máu. Nghe không !
Thằng Chín lí nhí cảm tạ. Bác sĩ không nghe ra, lại xua tay
nói :
Khỏi ! Chủ anh đã trả tiền cho anh rồi.
Nó hí hửng mang hai chai thuốc về nhà cất kỹ. Sau đấy nó dắt
hai nghìn bạc của bà chủ cho để đi sắm quần áo và giày mới. Vào giờ tan sở buổi
chiều, bà chủ vừa ngủ thức dậy đã gọi nó vào phòng. Thấy nó dẫn xác vào với bộ
quần áo hôm trước, bà chủ mắng ầm lên và bắt nó thắng ngay bộ cánh mới. Nó
không hiểu sao nhưng chỉ biết tuân lệnh. Lúc nó trở vào, bà chủ đã sang buồng tắm
để ngỏ. Nó vội lui ra, đứng đợi ở phía ngoài cửa phòng ngủ. Thằng Chín bảo rằng
ngay từ lúc ấy nó đã lo rằng nó không thể làm việc lâu với bà chủ này.
Trình diện xong, nó còn phải theo lệnh bà chủ đi hớt tóc rồi tắm
táp cho rõ ra con người mới. Tối lại, nó ăn cơm với chị bếp và chị hầu phòng.
Chín giờ thiếu mười lăm bà chủ bảo nó lên xe đi cùng. Bà chủ ngồi bên tay lái.
Nó luống cuống chưa biết phải chui vào cửa nào. Bà chủ vỗ mạnh vào ghế bên và bắt
nó ngồi xuống, Bà chủ nói :
Bây giờ tôi đi làm, phải hai giờ sáng mới về. Anh đi với tôi,
có ai hỏi anh cứ nói rằng anh với tôi là anh em họ. Anh phải nhớ kỹ điều này. Gặp
đứa nào, dù là ông gì bà gì, anh cũng đừng coi nó ra kílô nào cả. Tất cả chúng
nó chỉ vào hạng đầy tớ tôi thôi. Anh cứ gọi chúng nó là anh là chị, toa moa tất.
Như thế là anh giữ gìn danh giá cho tôi đấy.
Thằng Chín vốn đã là tay lì, lại có tí chữ nghĩa cho nên nó
đóng vai anh họ của bà chủ được lắm. Đêm ấy nó theo bà chủ đi hết phòng trà này
đến tửu quán khác. Nó được dọn riêng mình một bàn. Về khuya, tại tửu quán sang
trọng nhất, nó trông thấy ông lớn ngồi với nhiều ông nhiều bà sang trọng. Trông
thấy nó, ông lớn vồn vã chạy lại bắt tay, toa toa moa moa như đôi bạn rất thân.
Ông lớn kiếu từ khách để sang ngồi chung bàn với nó. Bà chủ khoái ra mặt, ngồi
ghế giữa nhìn nó rồi lại nhìn ông lớn.
Công việc chính của nó chỉ có bấy nhiêu. Ngoài ra những lúc
ban ngày, thường là sáng từ mười đến mười hai giờ, chiều từ năm đến bảy giờ, nó
phải canh cửa. Nói là canh chứ cổng đã khóa kỹ, nó chỉ việc ăn mặc chỉnh tề ngồi
ở phòng khách, tay cầm tờ báo Pháp. Đó là những lúc ông lớn ở trong phòng riêng
với bà chủ.
Thế mà mới được hơn một tháng, thằng Chín cứ nằng nặc đòi trả
chỗ làm lại cho tôi. Hai thằng kia nghe xong đều cho rằng nó sướng quá nên đâm
ra lẩm cẩm. Riêng tôi, tôi thấy trong việc này còn có uẩn khúc gì mà nó không
nói hết. Tôi gạn hỏi nhiều lần, nó nhất định không nói. Lúc rượu đã ngà ngà tôi
mới chọc tức nó. Tôi nói:
— Chắc là cu cậu đi làm việc đêm bà xã ghen chớ gì !
Quả nhiên, nó nói như quát :
- Ghen gì ! Còn có gì mà ghen ! Lúc đi làm, trông thấy toàn những
cảnh bấn người lên, thế mà về đến nhà lại cứ như cái bánh xe xẹp hết hơi. Tao
thử hỏi chúng mày, no ấm cái kiểu ấy thì hạnh phúc ở chỗ nào ?
Tôi ngẫm nghĩ, hiểu ra và đáp :
À, tại chai thuốc giấy xanh giấy đỏ chứ gì ! Thì ai đè
vợ chồng cậu ra đổ thuốc vào mồm mà sợ.
Thằng Chín đấm xuống bàn và hét :
Mày đến làm thử đi. Ông lớn sợ tao nhận thuốc đem về nhà mà
không uống nên ông lớn mỗi ngày hai lần tự tay rót thuốc cho tao để tao uống
trước mặt ông.
*
Hắn ngừng để đốt thêm một điếu thuốc. Sợ hắn kể nữa, tôi vội
giơ tay :
Đủ rồi. Truyện của ông nên chấm dứt ở đấy.
Cũng được. Xin ông trả tiền cho. Từ nay bản quyền truyện ấy
hoàn toàn thuộc về ông. Tôi bán đứt và không bao giờ tự tái bản.
Thấy tôi ngần ngại, hắn tiếp :
Ông cứ theo thông lệ, trừ đi công chép lại còn thì trả tôi.
Tôi rút ô kéo đếm năm trăm và đưa cho hắn. Tôi nói :
Như người khác thì ông phải trả tiền tôi. Là vì ông làm tôi mất
nhiều thời giờ quá.
Hắn bỏ tiền vào túi ngực, cười và đáp :
— Ông hãy cho tôi khất. Cảm ơn ông và xin chào ông.
Tôi tiễn hắn tới cửa ra đường. Lúc trở vào bàn giấy, tôi mới
nhớ ra rằng tôi chưa hẹn hắn sang năm hãy trở lại.
Lý- Thắng
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét